MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp đời sống người lao động được cải thiện. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Lương tối thiểu vùng tăng cao nhất là 280.000 đồng

HẠNH AN - BẢO HÂN LDO | 20/12/2023 16:42

Với mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1.7.2024 vừa được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt vào sáng 20.12 để trình Chính phủ xem xét quyết định, phía đại diện người sử dụng lao động cho rằng Hội đồng đã thống nhất thì doanh nghiệp, người sử dụng lao động tuân thủ và chấp hành nghiêm những điều đã được thông qua.

Ở góc độ đại diện phía chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - cho biết, tại phiên họp thứ 2, đại diện người lao động có mức đề xuất cao hơn mức được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt (mức 6%); người sử dụng lao động đề xuất mức thấp hơn. Sau đó, qua thảo luận nhiều chiều đã thống nhất mức tăng là 6% để trình cấp thẩm quyền, từ đó ban hành Nghị định để thực hiện.

Ông Phòng bày tỏ “chưa thỏa mãn” với mức tăng này vì cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đồng thời dự báo trong năm 2024 vẫn còn khó khăn.

Tuy nhiên, ông Phòng chia sẻ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Hội đồng đã thống nhất thì doanh nghiệp, người sử dụng lao động tuân thủ và chấp hành nghiêm những điều đã được thông qua.

“Đây cũng là sự cảm thông chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần lợi ích hài hoà và rủi ro chia sẻ. Người sử dụng lao động mong muốn người lao động cảm thông chia sẻ” - ông Phòng bày tỏ.

Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, tất cả thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ 1.7.2024 để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, phiên họp đã nêu lên những khó khăn của kinh tế trong năm 2023, dự báo tình hình chưa khả quan trong năm 2024 khi diễn biến kinh tế thế giới đang còn nhiều biến động phức tạp, khó lường; tình hình biến đổi khí hậu, rào cản về thương mại còn phức tạp ở phía trước.

Với tinh thần chia sẻ, cởi mở giữa đại diện phía người sử dụng lao động và đại diện phía người lao động, phiên họp đã diễn ra suôn sẻ. Tổng LĐLĐVN đánh giá trong thời gian vừa qua, người lao động còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, biến động giá cả thị trường, GDP không đạt được kế hoạch đề ra (trên 5%).

Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và người lao động đã giúp kinh tế vượt khó. Kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng như: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát dưới 4%; 3 đột phá chiến lược (thể chế, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực) đều hoàn thành. Cùng với đó, nổi bật là sự nỗ lực đối ngoại của doanh nghiệp trong năm vừa qua.

“Sau khi thảo luận, các bên đều đồng thuận điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo hướng tăng lương tối thiểu 6%, thời gian áp dụng là từ 1.7.2024 trên cơ sở đề xuất của phía Tổng LĐLĐVN là 6,48% và 7,3%; về phía người sử dụng lao động là từ 4-5%. Bộ phận kỹ thuật cũng đưa ra 3 phương án: 4%, 5% và 6%” – ông Thanh chia sẻ.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, đây là sự chia sẻ hết sức ý nghĩa của 2 bên, người sử dụng lao động dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng cố gắng tăng lương tối thiểu cho người lao động; người lao động dù gặp khó nhưng vẫn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Sau khi đàm phán, 16/16 thành viên Hội đồng bỏ phiếu thống nhất điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, tăng 200.000-280.000 đồng tùy vùng. Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn