MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lương tối vùng tăng có ý nghĩa quan trọng với công nhân. Ảnh: Minh Phương

Lương tối thiểu vùng tăng giúp lương hưu của người lao động cao hơn

Quế Chi - Minh Phương LDO | 17/06/2022 10:12
Sau khi biết thông tin lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1.7, nhiều công nhân phấn khởi bởi quyết định này rất có ý nghĩa trong bối cảnh giá cả tăng. Bên cạnh đó, theo chuyên gia, lương tối thiểu tăng 6% thì tiền lương đóng bảo hiểm của người lao động sẽ tăng.

Động lực để công nhân làm việc

Chị Phạm Thị Hoa (công nhân Khu công nghiêp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, lương cơ bản của chị khoảng 4,9 triệu đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp đi lại, xăng xe, con nhỏ... là 800.000 đồng. Nếu được tăng ca 3-4 ngày/tuần, thu nhập thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Tổng thu nhập của 2 vợ chồng làm công nhân ngót nghét 17 triệu đồng mỗi tháng. Chị Hoa chia sẻ, số tiền này, trước đây khi giá cả bình ổn, mỗi tháng vợ chồng chị tiết kiệm cũng để ra được 3-4 triệu đồng. Nhưng khi vật giá đắt đỏ như hiện nay, số tiền dành dụm được chẳng đáng là bao.

Nhận định về ý nghĩa của việc tăng lương tối thiểu vùng, nữ công nhân cho biết: “2 năm qua lương tối thiểu không tăng, cuộc sống của công nhân đã rất vất vả. Năm nay, dù số % tăng không thể nào giải quyết hết khó khăn của công nhân lao động nhưng đây là động lực lớn để chúng tôi làm việc”.

Chị Nguyễn Thị Hà - công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries (Đông Anh, Hà Nội) - hy vọng, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo động lực để tăng lương cơ bản. Hiện nay, lương của chị Hà ở mức hơn 7 triệu đồng. Theo chị Hà, tiền đóng bảo hiểm phụ thuộc vào lương của tháng đó, tháng nào làm nhiều thì đóng nhiều và ngược lại. “Do vậy, thu nhập dù tăng ít hay nhiều sẽ ảnh hưởng tới mức đóng bảo hiểm xã hội của tôi. Lương tối thiểu vùng tăng mới có cơ sở để thu nhập công nhân tăng, từ đó được đóng bảo hiểm xã hội cao hơn” - chị Hà nói.

Theo Nghị định 38/2022/BĐ-CP (quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động), từ ngày 1.7.2022, lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện tại. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I là 4.680.000 đồng/người/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/người/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/người/tháng; vùng IV là 3.250.000 đồng/người/tháng. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng không chỉ có ý nghĩa về tiền lương thực nhận, mà tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ tăng lên, từ đó sẽ tăng quyền lợi của người lao động khi được hưởng lương hưu sau này cũng như nhận các chế độ bảo hiểm xã hội khác

Theo ông Tiến, không phải tất cả, nhưng có nhiều doanh nghiệp đang xây dựng lương cơ bản cho người lao động trên nền lương tối thiểu vùng cộng với một số phần trăm nữa. Lương cơ bản này chính là lương để ký hợp đồng lao động và cũng là căn cứ tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội. Vì lương cơ bản chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng (cũ) 5-7%, nên khi lương tối thiểu vùng (mới) tăng 6%, mà doanh nghiệp không điều chỉnh thì lương cơ bản sẽ thấp hoặc rất sát với lương tối thiểu vùng (mới).  

“Chính vì vậy, khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng, thì bước đầu tiên doanh nghiệp điều chỉnh lương cơ bản, cao hơn 5-7% so với hiện nay. Như vậy, rõ ràng ngoài ý nghĩa tăng lương trước mắt cho người lao động, thì chắc chắn phần lớn người lao động sẽ được đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn, đồng nghĩa tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ tăng lên, từ đó sẽ tăng quyền lợi của người lao động khi được hưởng lương hưu sau này cũng như nhận các chế độ bảo hiểm xã hội khác” - ông Tiến phân tích và nói thêm, khi tăng lương tối thiểu vùng, có thể những doanh nghiệp trả lương cơ bản cao rồi thì sẽ không tăng lương cho công nhân; nhưng qua khảo sát, lương cơ bản của nhiều doanh nghiệp có tăng, không ít thì nhiều khi lương tối thiểu vùng tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn