MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mẹ con chị Vương Thị Nguyệt trong căn phòng trọ. Ảnh: Hương Hạnh

Mắc COVID-19, công nhân xa quê gặp khó

Minh Hương - Lương Hạnh LDO | 17/03/2022 13:00
Gia đình công nhân sống trong phòng trọ chật chội, những ngày chưa có việc, họ không dám nghĩ đến bữa ăn ngon hay đủ chất dinh dưỡng ngay cả khi bị ốm. Những món ăn “sang” là thịt và cá, họ nhường cho con trước, còn mình thì “sao cũng được”.

Lao đao vì cả gia đình là F0

Vừa trở về nhà sau ca đêm 12 tiếng, chị Nguyễn Thị Hoà (quê Nghệ An) vội vàng mang con hơn 3 tuổi đi gửi trẻ rồi ra chợ mua thức ăn. 50.000 đồng cho cả bữa trưa và tối, chị Hoà mua được 4 bìa đậu, 2 lạng thịt, 4 quả trứng và bó rau muống. Chị Hoà nói, 2 vợ chồng chị ăn sao cũng được, còn đồ của con đã chuẩn bị sẵn từ hôm qua.

Vợ chồng chị Hoà làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). 5 năm gắn bó với nơi này, chị Hoà cho biết, mọi sự vất vả đều đã trải qua, nhưng khó khăn nhất có lẽ là gần đây nhất, cả gia đình nhiễm COVID-19. 

“Hết tôi, đến chồng rồi con là F0. Tôi chuẩn bị đi làm thì chồng tôi lại mắc COVID-19. Mất gần 1 tháng chúng tôi không được đi làm” - chị Hoà nói.

Năm 2021, vợ chồng chị Hòa tiết kiệm được 15 triệu đồng, số tiền đủ để sắm sửa Tết, biếu nội ngoại 2 bên, xe cộ là hết sạch. Sau Tết đi làm lại, chị Hoà tiêu hết khoản tiền dành dụm được nên khi gia đình mắc COVID-19, nữ công nhân như “rơi xuống vực thẳm”.

Chị Hoà kể, gia đình 3 người đều có triệu chứng ho, sốt. Chị không dám mua sả, gừng, chanh về xông vì giá cả đắt đỏ; thức ăn cũng dè dặt, mua được ít cá, thịt thì nhường con ăn trước.

“Trái cây hay các thực phẩm bồi bổ khác tôi cũng dám mua. Bao giờ con nói thèm ăn quả cam tôi mới mua một ít về. Nếu tôi không tiết kiệm như vậy, tiền trọ, tiền điện nước sẽ không có để chi trả” - chị Hoà rầu rĩ nói.

Lương công nhân gánh cả gia đình

Chị Vương Thị Nguyệt (sinh năm 1997, quê Tuyên Quang) - công nhân thời vụ tại KCN Thăng Long hiện đang thất nghiệp vì trường mầm non đóng cửa, chị phải ở trông con. Cả gia đình ba người đều trông chờ vào đồng lương công nhân của chồng.

Trước đây, chị Nguyệt xin đi làm công nhân thời vụ, lương tính theo giờ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng; chồng chị làm công nhân lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca đầy đủ thì được thêm 2-3 triệu đồng.

Căn phòng trọ nhỏ, chật chội mà gia đình đang sinh sống được thuê với giá 500.000 đồng/tháng, tiền nước 60.000 đồng/người. Hằng tháng, tổng tiền sinh hoạt chưa tính tiền ăn vào khoảng hơn 1 triệu đồng. 

Với tổng thu nhập và tất cả những thứ phải chi tiêu, chị Nguyệt nói: “Gọi là tạm đủ thôi. Chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng lắm mới sống được”. Nhắc về chồng, ánh mắt người phụ nữ này không khỏi thương xót. Chồng chị mắc căn bệnh sỏi thận, lâu nay anh vẫn gắng gượng chịu đựng để lo cho vợ con. Song, khi cơn đau ập đến, nhiều lần anh phải nhập viện cấp cứu.

27 Tết Âm lịch, chị Nguyệt đưa chồng nhập viện và điều trị. Hằng ngày chị đều đi lại giữa nhà và bệnh viện để chăm chồng. Để tiết kiệm chi phí, chị và chồng quyết định ở lại quê để chữa trị. “Nhập viện dưới này mọi chi phí đều đắt. Chúng tôi đều biết điều kiện chữa bệnh ở đây sẽ tốt hơn nhưng hai vợ chồng vẫn về quê, như vậy mới đỡ tốn tiền ăn và tiền thuốc…” - chị Nguyệt bày tỏ.

Được biết, chi phí chữa bệnh cho chồng trong khoảng thời gian đó hết gần 9 triệu đồng. Sau Tết, sức khỏe của chồng chị chưa ổn định, cần ở nhà theo dõi, chị Nguyệt xuống Hà Nội để tìm việc trước. Sau đó, chồng và con trai chị mới xuống sau.

Trong lúc đang thiếu thốn, gánh nặng càng đổ lên vai chồng. Để có thể bám trụ được ở thành phố, gia đình nữ công nhân phải hết sức dè sẻn. Có món ăn ngon cũng ưu tiên cho con trước, hai vợ chồng “ăn thế nào cũng được”.

“Quần áo tôi không hay mua, hoa quả lâu lâu làm bữa. Tôi không dám đưa con ra ngoài chơi nhiều vì sợ con đòi mua đồ ăn, đồ chơi… trong khi tôi không có nổi vài trăm ngàn đồng trong túi” - chị Nguyệt chia sẻ.

Ngồi cạnh mẹ, cậu con trai hai tuổi của vợ chồng chị Nguyệt “ê a” tập nói. Chị Nguyệt nhìn con trìu mến, có lẽ đây là niềm hy vọng và động lực cố gắng của đôi vợ chồng công nhân này.

Trưa hôm nay, chị Nguyệt cắm nồi cơm, để sẵn ít rau xanh bên cạnh.

“Con trai phải đủ chất, đủ thức ăn rau và thịt. Còn tôi chỉ cần cơm với ít rau, đôi khi chỉ cần gói mì tôm là xong bữa” - chị Nguyệt cười buồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn