MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con gái lớn nhà anh Sơn học online trong thời gian cả gia đình là F0. Ảnh: NVCC

Mắc COVID-19, nam công nhân thuê thêm phòng trọ để cách ly với vợ con

Quế Chi LDO | 28/02/2022 16:57
Khi biết tin mình đã dương tính với COVID-19, anh Đào Hoài Sơn, công nhân, trú tại thôn Nhuế, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, vội thuê thêm một phòng trọ nữa để cách ly, phòng lây lan cho vợ và 2 con ở cùng. 

“Nhưng không kịp. Ba ngày hôm sau thì vợ tôi cũng lên 2 vạch. Thực ra thì trước khi thuê thêm phòng, tôi đã có triệu chứng bị bệnh rồi, nên tránh lây cho cả gia đình cũng khó” – anh Sơn nói.

Vợ chồng anh Sơn đều làm công nhân khu công nghiệp Thăng Long. Gia đình anh – gồm vợ, chồng và 2 con – thuê trọ trong một căn phòng khá chật. Phòng trọ có nhà vệ sinh khép kín, nhưng không có phòng ngủ riêng. Bình thường, vợ chồng anh thấy “khá ổn” với nơi thuê trọ này. Nhưng khi anh bị COVID-19, vấn đề phát sinh khi anh không có không gian riêng để cách ly, phòng lây lan. Thấy phòng bên cạnh còn trống, chưa ai thuê, anh Sơn liền hỏi chủ nhà để thuê thêm. 

Sau khi vợ bị “2 vạch”, đến lượt 2 con – cũng dương tính với COVID-19. Anh Sơn đành để trống phòng trọ mới thuê, trở về phòng trọ cũ để tiện chăm sóc gia đình. “Phòng trọ cả nhà đang ở, chủ nhà trọ lấy 1,2 triệu đồng/tháng; còn phòng trọ mới thuê để cách ly được giảm giá, ở mức 1 triệu đồng/tháng. Sau khi cả nhà đều bị mắc bệnh, tôi không ở phòng trọ mới thuê này, nhưng “trót” thuê rồi, nên đành để trống, vẫn phải trả tiền cho hết 1 tháng” – anh Sơn cho hay. 

Cả nhà bị F0, không được ra ngoài, nên nhiều ngày vừa qua, anh đành phải nhờ bạn bè, hàng xóm đi chợ giúp rồi trả tiền sau. Anh Sơn bảo: Cả nhà bị bệnh là 1 điều chẳng ai muốn, nhưng dù sao, cùng bị bệnh như này thì cả nhà chăm nhau được, đỡ bị “lai rai”: người F0, người F1 lại phải ở nhà lâu hơn, không đi làm được. 

Một trong những vấn đề anh Sơn cảm thấy rất khó khăn là dùng thuốc để tự điều trị bệnh COVID-19. “Tôi không biết dùng thuốc gì, cứ nhờ người ra hiệu thuốc mua, thấy người ta mua thuốc gì thì mình mua thuốc đấy. Tôi cũng chỉ dùng thuốc bổ, tăng sức đề kháng, thuốc hạ sốt…”.

Những loại thuốc mà anh Sơn nhờ hàng xóm mua về để tự điều trị bệnh. Ảnh: NVCC 

Qua trao đổi, được biết, trong tháng 2.2022, vợ chồng anh Sơn nghỉ làm nhiều ngày nên không được hưởng lương mà chỉ trông chờ và tiền bảo hiểm xã hội chi trả cho người bị F0. Nhưng khoản tiền này, phải sau này, khi hoàn thành các thủ tục, anh chị mới được hưởng. 

Ngày 27.2, anh Sơn tự test đã cho ra kết quả âm tính. Nhưng do Công ty yêu cầu phải có kết quả test của bên thứ 3, nên sáng 28.2, nam công nhân này phải tự đi ra một cơ sở y tế để xét nghiệm nhanh với giá 120.000 đồng. Có kết quả âm tính, anh sẽ nộp cho Công ty để trở lại làm việc. 

Khác với anh Sơn, anh Tạ Văn Tiến (trú tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn còn đang độc thân nên phải một mình “chống chọi” với COVID-19 trong phòng trọ. 

Chiều 28.2, khi phóng viên Báo Lao Động liên lạc, anh Tiến cho biết, đây đã là ngày thứ 6 anh tự điều trị bệnh tại phòng trọ. “Hiện giờ tôi thấy người đã bình thường trở lại,  chiều nay nhờ người mua que test để xét nghiệm” – anh Tiến bảo.  

Khi biết mình bị mắc COVID-19, anh Tiến nhờ hàng xóm nơi xóm trọ mua giúp thực phẩm đủ dùng cho nhiều ngày; rồi từ đó đến nay, anh “cố thủ” trong phòng trọ. Anh tự nấu ăn, tự chăm sóc bản thân mà không có ai bên cạnh. Bữa ăn rất đơn giản, chỉ có cơm, một món ăn mặn và rau. Về thuốc, anh Tiến chỉ dùng các loại bổ sung đạm, vitamin C, thuốc hạ sốt…, không dùng thuốc đặc trị COVID-19.  

Anh Tiến kể, 2-3 hôm đầu, anh khá mệt, sau đó, sức khoẻ khá hơn. “Tôi đã tiêm 3 mũi rồi nên khá yên tâm. Mũi 3 mới tiêm ngày 18.2, thì ngày 23.2 tôi dương tính với COVID-19 rồi” – anh Tiến kể và chia sẻ, điều lo lắng nhất của anh bây giờ là nguy cơ tái nhiễm khi đi làm trở lại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn