MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mãi là ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời làm báo của tôi

Ngô Hoàng Giang LDO | 26/05/2022 10:00
Tôi thật bất ngờ đến xúc động khi được các anh lãnh đạo Báo Lao Động ngỏ ý rủ tôi về với Báo Lao Động. Vui thì quá vui rồi, bởi tôi rất thích tờ “Lao Động Chủ Nhật” cả về nội dung lẫn hình thức. Cũng phải nói thêm rằng, thuở ấy, “Lao Động Chủ Nhật ” là tờ báo khổ lớn in màu duy nhất trên cả nước. Nhưng cũng lo lắm, lo đến mức mất ngủ. Bởi vì, tôi vốn là người làm báo hình (truyền hình), chưa hề biết gì về quy trình, kỹ năng... của báo in.

Vậy rồi cũng đến thời điểm phải trả lời cho các anh lãnh đạo Báo Lao Động là... đồng ý! Tôi quyết định vì nghĩ rằng, Báo Lao Động tin tôi thì xem như được 50%, còn 50% là sự cố gắng của tôi, và chắc chắn là tôi phải cố gắng!

Nhà báo Ngô Hoàng Giang - nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL.
 

Chỉ sau 1 tuần lễ từ ngày tôi đồng ý về với Báo Lao Động, tôi nhận được 3 văn bản từ Hà Nội gửi vào. Đó là: Quyết định bổ nhiệm tôi là Trưởng văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL; Hồ sơ xin phép cơ quan chức năng của tỉnh Cần Thơ về việc mở văn phòng đại diện của Báo Lao Động tại ĐBSCL đặt tại TP. Cần Thơ và Hồ sơ xin Liên đoàn Lao động tỉnh Cần Thơ được đặt trụ sở văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL.

Tôi cầm 3 văn bản này để đến các cơ quan chức năng thực hiện công việc. Trong vòng 1 tháng, mọi việc hoàn tất, tôi báo cáo về Ban Biên tập Báo Lao Động để định ngày khai trương văn phòng đại diện.

Mẫu tin nhỏ trên tờ “Lao Động Chủ Nhật” về Văn phòng đại diện tại ĐBSCL nhưng là niềm vui lớn của chúng tôi - những đồng nghiệp tại ĐBSCL. Xin nói thêm khi ấy, sau Báo Nhân Dân, là Báo Lao Động có văn phòng đại diện tại ĐBSCL. Còn các báo khác chỉ có phóng viên thường trú.

Tấm bảng “Văn phòng đại diện Báo Lao Động” khi ấy được đặt trước cổng trụ sở của Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cần Thơ rất trang trọng. Liên đoàn Lao Động Cần Thơ cho mượn 1 phòng và 1 bộ sa-lông bằng gỗ, Báo Lao Động trang bị cho văn phòng 3 chiếc bàn viết: 1 cho Trưởng văn phòng, 1 cho phóng viên, và 1 cho thư ký + máy fax. Nhân sự của văn phòng lúc đó có 3 người: Ngô Hoàng Giang (Trưởng văn phòng); Lê Thanh Nguyên (phóng viên) và Nguyễn Thị Huỳnh Yến (thư ký).

Có thể nói, văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL chỉ lo hoạt động nghiệp vụ theo chức trách của mình, còn mọi nhu cầu khác đều được Liên đoàn Lao động tỉnh Cần Thơ bảo trợ như 1 bộ phận của Liên Đoàn Lao Động. Không quá đáng khi nói văn phòng đại diện Báo Lao Động khi ấy như “đứa con” trong “gia đình” của Liên đoàn Lao động tỉnh Cần Thơ. Điều này thể hiện đầy đủ trong sinh hoạt hằng ngày, trong mỗi dịp lễ, tết. Đôi lúc, vì lí do gì đó, tòa soạn không liên lạc được các nhân sự của văn phòng nên gọi điện thoại cho Liên đoàn Lao động nhờ nói lại, và nhân sự của văn phòng Báo Lao Động được nhận tin nhanh nhất khi có thể.

Nhân nói về chuyện liên lạc giữa Tòa soạn với văn phòng thuở ấy, có lẽ cũng cần nhắc lại về phương tiện thông tin. Lúc bấy giờ, nhân sự của văn phòng đại diện không ai có điện thoại di động và cũng chưa có máy nhắn tin. Tôi và Lê Thanh Nguyên đi viết bài khắp trong vùng ĐBSCL, ở văn phòng thường xuyên chỉ có Huỳnh Yến. Bởi vậy, tôi luôn tìm điện thoại gọi về văn phòng, ít nhất 1 lần mỗi ngày để nghe Huỳnh Yến báo cáo có việc gì? Hoặc Tòa soạn muốn nói chuyện trực tiếp với tôi thì Huỳnh Yến truyền đạt lại để tôi gọi ngay về Tòa soạn.

Khi văn phòng đại diện hoạt động được khoảng 3 tháng thì mạng lưới công tác viên ở các tỉnh ĐBSCL phủ kín. Tôi và Lê Thanh Nguyên vừa đi viết bài vừa tổ chức cộng tác viên. Hầu hết cộng tác viên đều là những nhà báo chuyên nghiệp, đang làm việc tại cơ quan báo in hoặc đài phát thanh truyền hình các tỉnh. Vì là người sở tại nên cộng tác viên của văn phòng đại diện có mối quan hệ mật thiết với Liên đoàn Lao động các tỉnh. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh thì xem Báo Lao Động là tờ báo của mình nên rất nhiệt tình hỗ trợ thông tin và những nhu cầu của văn phòng đại diện. Mỗi năm, văn phòng đại diện tổ chức họp công tác viên một lần với sự tham dự của đại diện Ban Biên tập.

Trong năm đầu, mới thành lập, Ban Biên tập chưa đặt ra chỉ tiêu về phát hành báo cho văn phòng ĐBSCL, nhưng khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động này. Lúc đó, văn phòng phối hợp cùng cộng tác viên làm quen với công việc quảng bá cho tờ báo của mình theo nhiều cách. Đặc biệt chú trọng công tác phát hành báo ở những khu vực tập trung nhiều độc giả, như: Nhà máy, trường đại học, hội chợ triển lãm...

Bây giờ, nếu tôi muốn kể lại chuyện của 30 năm trước, khi mới thành lập văn phòng đại diện của Báo Lao Động tại ĐBSCL thì không thể nào kể hết. Tôi xin kể chi tiết này như một kỷ niệm nghề nghiệp thời ấy. Anh Trần Trọng Thức, Thư ký Tòa soạn, nói với tôi qua điện thoại: “Này sao em viết chữ to thế? Mai mốt viết nhỏ lại nhé! Một bài phóng sự, bút ký của em là ngốn hết cuộn giấy fax của người ta đó!”. Tôi biết anh đùa, nhưng tôi ngượng ngùng… “ Dạ!” và nói thầm “ Ừ, hén!”

Vậy đó! 30 năm sau “thời đại của 4.0” - Internet, laptop, smartphone... chắc đỡ dần hơn cho các đồng nghiệp của tôi tại văn phòng này. Và trong tương lai, chắc chắn Văn phòng đại diện của Báo Lao Động tại ĐBSCL còn hiện đại hơn, hoạt động phong phú hơn.

Năm 2022, Văn phòng đại diện của Báo Lao Động tại ĐBSCL bước vào tuổi 30, tôi bước vào tuổi 70. Không thể nói khác hơn là những năm tháng hoạt động cùng các đồng nghiệp ở Văn phòng đại diện của Báo Lao Động tại ĐBSCL mãi là ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời làm báo của tôi.

TPHCM, tháng 4.2022

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn