MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. Ảnh chụp vào tháng 4.2023. Ảnh: Quế Chi

Mất việc khi đã ngoài 40 tuổi, nữ công nhân chấp nhận làm thời vụ

Quế Chi – Lương Hạnh LDO | 26/07/2023 06:30

Không ít trường hợp nữ công nhân sau khi mất việc ở tuổi ngoài 40 gần như không thể kiếm được công việc mới do bị doanh nghiệp “ngó lơ”, chê nhiều tuổi. Nhiều trường hợp công nhân mất việc đành chấp nhận làm công việc thời vụ để có tiền trang trải cuộc sống.

Chưa nhìn thấy cơ hội xin được công việc ổn định khác

Nghỉ việc từ tháng 4.2023, đến nay, chị Đặng Thị H (Bắc Giang) vẫn chưa thể tìm việc làm ổn định khác.

Ngay từ lúc mới mất việc, chị H không nghỉ ngơi một thời gian như một số lao động khác, mà bắt tay vào đi tìm việc ngay. “Tôi mong muốn làm công nhân tại một khu công nghiệp gần nhà, thu nhập không cần cao lắm, chỉ cần ổn định, đủ để tôi trang trải cuộc sống. Tôi đã đi hỏi một số nơi nhưng họ đều từ chối. Lý do là vì tôi đã lớn tuổi" - chị H kể.

Sinh năm 1983, năm nay chị H đã 40 tuổi. Sau 17 năm làm việc cật lực trong một doanh nghiệp điện tử tại Bắc Ninh, chị thấy sức khoẻ suy giảm nhiều, không còn nhanh nhẹn, hoạt bát như trước.

Chị H cho hay, ở công ty cũ, khi chị hết hợp đồng thời hạn 5 năm thì không được công ty ký tiếp. Chị nghĩ công ty ưu tiên ký tiếp với những người còn trẻ tuổi hơn vì họ làm việc khoẻ hơn, nhanh hơn, chi phí trả lương cho họ cũng ít hơn.

“Bây giờ, khi tôi đi tìm kiếm công việc mới, tuổi lại cao khiến tôi chưa thể có việc ngay. Các bên tuyển dụng nói rằng, hiện tại tình hình sản xuất của công ty còn gặp nhiều khó khăn, ít việc, phải tiến hành sa thải nhiều công nhân lớn tuổi. Công ty không có nhu cầu tuyển lao động mới, nhất là lao động lớn tuổi” - chị H nói.

Không kiếm được công việc chính thức, không được ký hợp đồng, được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chị H đành chấp nhận làm công việc thời vụ. Theo chị, đây là lựa chọn khả dĩ nhất đối với những người mất việc khi đã lớn tuổi như chị.

Mỗi ngày, chị được bên thuê mướn trả 130.000 đồng. Tuy nhiên, chị không được làm việc thường xuyên, chỉ khi nào có việc, chị mới được gọi đi làm. Thu nhập của chị H hiện rất bấp bênh. Để có thêm tiền chăm sóc 4 con đang tuổi ăn học, chị H phải bán rau ở ngoài chợ.

Điều chị H thấy rất buồn là sau 17 năm làm công nhân điện tử, chị không có được kỹ năng cần thiết nào để trở thành lợi thế khi đi xin việc.

“Chúng tôi thường sửa lỗi cho máy điện thoại, người ta hướng dẫn như thế nào thì mình thao tác như vậy. Quãng thời gian làm ở công ty cũ chỉ để tôi kiếm tiền trang trải cuộc sống chứ không chuẩn bị cho tương lai. Vì thế, khi rời khỏi nhà máy, tôi hoàn toàn không có kỹ năng nào cả. Số tiền dành dụm sau nhiều năm làm việc cũng không đáng kể” - chị H chia sẻ.

Nữ công nhân này đang được hưởng bảo hiểm thất nghiệp mức 3 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm lao động tự do, thu nhập không ổn định. Chị rất lo lắng cho thời gian sắp tới khi chưa nhìn thấy cơ hội xin được một công việc ổn định khác, được ký hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội…

“Có người bảo tôi đóng bảo hiểm tự nguyện 3 năm nữa, rồi chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu, nhưng là ở mức thấp. Hiện tôi chưa biết quyết định như nào về hướng đi sắp tới. Nghĩ phải chờ 20 năm nữa mới được hưởng lương hưu, tôi thấy quá lâu” - chị H nói.

“Nghỉ một ngày, đói một ngày”

Chị Đặng Thị Hoàng Mai (sinh năm 1977, Phú Thọ) là một trường hợp tương tự: Gần như không thể tìm được công việc mới sau khi mất việc.

Chị Mai làm việc trong một công ty xuất khẩu đồ thuỷ tinh tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được 7 năm. Tháng 12.2022, chị Mai và nhiều công nhân khác tại công ty nhận thông báo nghỉ việc, hưởng 75% mức lương cơ bản.

“Tôi không biết phải chi tiêu sao cho hợp lý với 4 triệu đồng tiền lương/tháng. Tìm việc ở tuổi này rất khó. Tôi đã tìm việc ở Khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ) cho gần nhà nhưng hầu hết công ty đều yêu cầu độ tuổi lao động từ 18 đến dưới 30” - chị Mai cho hay.

Là mẹ đơn thân, con gái học lớp 9, nỗi lo về các khoản học phí và khoản nợ của gia đình khiến chị Mai xin nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống. Không chỉ vậy, với chị “nghỉ một ngày, đói một ngày” nên sau khi xin nghỉ, chị mong mỏi tìm được công việc với với thu nhập khá hơn.

Nếu không thể tìm được công việc phù hợp, chị Mai dự định sẽ xin vào những nơi tuyển dụng lao động chân tay không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, mức thu nhập là hơn 7 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn