MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đặng Thị H làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Bảo Hân

Mất việc, lao động lớn tuổi sống bấp bênh

Bảo Hân LDO | 13/04/2023 06:03

“Dành cả thanh xuân” làm công nhân tại doanh nghiệp, nhưng ở độ tuổi 35-40, nhiều người lao động không được ký tiếp hợp đồng lao động. Mất việc, nhiều người hoang mang, lo lắng vì khó kiếm được công việc mới. 

Không được ký tiếp hợp đồng 

Vẻ mặt chị Đặng Thị H bất an khi ngồi chờ đến lượt giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. 

Sau nhiều năm làm việc tại một doanh nghiệp điện tử của tỉnh Bắc Ninh, mới đây, khi kết thúc hợp đồng lao động thời hạn 5 năm, chị không được công ty ký tiếp, mặc dù rất mong muốn được làm việc tiếp. Dù rất buồn, nhưng nữ công nhân 40 tuổi này đành chấp nhận. “Nhiều lao động lớn tuổi cũng rơi vào tình cảnh như tôi. Tôi nghĩ công ty không ký tiếp hợp đồng với những lao động già để tiết kiệm chi phí, thay thế bằng những người trẻ hơn, khỏe hơn, trả lương ít hơn, có năng suất cao hơn” - chị H chia sẻ. 

Tổng số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị H là 125 tháng; mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 3.768.000 đồng, được trả trong vòng 10 tháng (từ 29.3.2023 đến 28.1.2024). 

“Trước mắt, tôi hưởng khoản trợ cấp này để có tiền trang trải cuộc sống. Nếu xin được công việc mới, tôi sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để sau này được hưởng lương hưu” - cầm quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên tay, nữ công nhân buồn bã nói. 

Chị H dự định sẽ cố gắng xin công việc mới để tiếp tục được đóng nối vào 17 năm tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn rất bi quan về cơ hội kiếm công việc mới. “Rất ít công ty tuyển công nhân đã lớn tuổi như tôi. Hơn nữa, sau rất nhiều năm làm việc với những thao tác đơn giản, tôi không tích lũy được kỹ năng đặc biệt nào để có lợi thế xin việc mới” - chị bày tỏ. 

Chị H dự định, nếu không xin được công việc chính thức, chị sẽ đi làm công việc thời vụ. Chị đã tìm hiểu công việc nhặt chỉ may ở quê (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), mỗi ngày làm việc từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, được trả 150.000 đồng. “Như vậy, mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng 4,5-5 triệu đồng, không được đóng bảo hiểm xã hội” - chị nhẩm tính. Chồng chị H làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Phải nuôi 4 người con, những ngày sắp tới của hai vợ chồng này sẽ càng chật vật, khó khăn hơn...

Bảo đảm việc làm cho người lao động 

Ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang - cho biết, Trung tâm đã thu thập thông tin về thị trường lao động trên địa bàn các huyện để kết nối cho những lao động lớn tuổi mà không được ký tiếp hợp đồng lao động; tư vấn cho họ những công việc như vệ sinh công nghiệp ở các doanh nghiệp hoặc giúp việc gia đình. 

Trong tương lai, ông Huế cho rằng, cần phải có định hướng và chiến lược căn cơ để giải quyết cho số đông lao động này. “Muốn vậy, trước mắt, các địa phương phải nắm bắt nhu cầu công việc ở địa phương, ví dụ các nghề thủ công để chuyển đổi nghề cho người lao động trên địa bàn” - ông Huế nói và cho biết thêm, Trung tâm sẽ tiếp tục tư vấn, định hướng, kết nối việc làm, nhất là dạy nghề để chuyển đổi nghề cho lao động lớn tuổi. 

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - để bảo vệ quyền lợi người lao động, các quy định về thời gian hợp đồng phải được giám sát để nếu có việc “lách luật”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì phải có can thiệp. Nếu hiện tượng này là phổ biến thì điều chỉnh chính sách, bảo đảm việc làm cho người lao động, bố trí các công việc phù hợp với độ tuổi người lao động để tránh tình trạng sẽ có một lực lượng lao động lớn tuổi không có cơ hội để làm việc tiếp.

Ngoài ra, bà Ngân cũng cho biết, ở góc độ người lao động, họ cũng cần phải có ý thức nâng cao, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng công việc, chứ không phải chỉ cần làm một việc đơn giản trong vòng nhiều năm. Như vậy, họ sẽ có thể bị ra khỏi thị trường lao động bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp đầu tư máy hiện đại.

“Việc không ký tiếp hợp đồng lao động đối với lao động lớn tuổi nếu là hiện tượng đáng báo động thì phải có số liệu chính xác, từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp” - bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) -  nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn