MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Lò Thị Hồng gọi điện video nói chuyện với con. Ảnh: Bảo Hân

“Mẹ ơi, mẹ về mua sách vở cho con…”

Bảo Hân LDO | 21/09/2021 11:30

Mỗi lần gọi video cho con, chị Quàng Thị Kim nghe con nài nỉ mẹ về quê để mua sách vở, giày dép… chuẩn bị vào năm học mới. Chị Kim gạt nước mắt, lắc đầu mà không biết nói với con ra sao cho con  hiểu. Hai tháng nay, chị không có thu nhập, lại đang “mắc kẹt” tại Hà Nội

Không việc làm, không thu nhập  

Chị Kim và chồng - anh Đường Văn Nam - quê ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Làm nương rẫy, thu nhập không đáng là bao, 2 vợ chồng quyết định nhờ ông bà ngoại trông con để lên Hà Nội xin làm công nhân tại công trường xây dựng nhà cao tầng ở quận Hà Đông.  

Công việc “bán sức” này mỗi tháng mang lại cho anh chị 10 triệu đồng để gửi tiền về quê cho ông bà nuôi con ăn học. Thế nhưng, hai tháng nay, khi Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội, vợ chồng chị Kim cùng nhiều công nhân khác đang “mắc kẹt” trong nơi trọ chật chội. Không có việc làm, không có thu nhập, anh chị không thể gửi tiền về cho con, trong khi bắt đầu năm học mới, cần phải chi rất nhiều khoản. 

“Gọi điện về cho con, cháu cứ giục tôi mua sách vở, đôi dép mới… để đi học. Nhưng tôi không có tiền, lại không về được quê, nên không biết nói với con thế nào. Tôi đành nhờ ông bà vay mượn tạm để mua đồ cho cháu, khi nào đi làm, có tiền, tôi sẽ gửi về trả nợ” - chị Kim buồn rầu nói.  

Ngồi bên cạnh vợ, anh Nam cũng không giấu được nỗi buồn khi phải xa con, không có tiền gửi về cho con đi học.

“Có lần, nhớ các con quá, tôi có ý định đi bộ về nhà. Vất vả tôi không ngại, nhưng sợ không đi qua chốt được, rồi sợ bị phạt… nên tôi đành ở lại” - anh Nam tâm sự.  

Dự định của vợ chồng anh Nam là khi Hà Nội hết giãn cách, anh Nam tiếp tục ở lại làm việc, còn vợ sẽ về quê để thăm con.

“Nếu cả 2 vợ chồng đều về thì lấy tiền đâu mà nuôi con, nên tôi chỉ để vợ về quê một thời gian rồi quay lên làm việc, kiếm tiền. Ở quê không có việc gì làm cả, chỉ đi làm nương thôi, mà làm nương thì không có tiền” - anh Nam chia sẻ.  

Lo con quên mặt bố mẹ  

Cùng đi với chị Kim lên Hà Nội còn có em trai ruột của chị Kim là Quàng Văn Thảo vùng vợ Lò Thị Hồng. Cũng giống vợ chồng chị gái, vợ chồng anh Thảo gửi con năm nay mới 3 tuổi cho ông bà nội trông, rồi lên Hà Nội mưu sinh. Hai cặp vợ chồng được cả nhóm công nhân (tổng cộng 14 người) tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông này ưu tiên có không gian riêng ở trong nơi trọ. Chỗ nằm nghỉ của 2 cặp vợ chồng được quây kín bằng chăn, bạt.  

“Trước khi xuống Hà Nội, tôi được “cai” ứng cho 10 triệu đồng. Số tiền đó tôi đã để ở quê cho bà để chăm cháu và trả nợ nần. Tôi và vợ tự nhủ sẽ làm lụng chăm chỉ để trả nợ hết tiền ứng trên rồi có thêm đồng tiền gửi về cho con. Nhưng ai ngờ, mới làm được 20 ngày thì giãn cách, phải nghỉ việc. Tôi nghĩ chỉ nghỉ làm 1-2 tuần thôi, không ngờ lại kéo dài đến gần 2 tháng rồi” - anh Thảo ngao ngán cho hay.  

Không có thu nhập, rất may, vợ chồng anh cũng như các công nhân khác ở cùng đang được “cai” hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày, cùng với sự hỗ trợ thực phẩm của phường, của những nhà hảo tâm.

Anh Thảo nói, dù ở nhà 2 vợ chồng đã có nhà, nhưng nếu ở quê, sẽ không thể làm ra tiền, nên đành phải chấp nhận xa nhà, xa con để bán sức kiếm sống. Cũng giống như các công nhân khác trong nhóm, cả 2 cặp vợ chồng này đều không được ký hợp đồng lao động. Họ được trả theo ngày công ở mức 230.000-240.000 đồng/ngày.  

Ngồi bên cạnh, chị Hồng mở điện thoại, gọi con. Xa con từ khi lên Hà Nội đến nay, chị rất nhớ con, nhưng không thể về quê. Đi xa dài ngày, chị Hồng lo con sẽ dần quên mặt bố mẹ.

“Gọi điện, cháu chỉ chạy đi, không thèm nói chuyện với bố mẹ, chắc là quên mất bố mẹ rồi”- chị Hồng nói, giọng buồn buồn.  

Nhớ con như vậy, nhưng nếu hết giãn cách, chỉ có chị Hồng về quê, còn chồng thì vẫn ở lại làm việc.

“Nếu về quê hết thì lấy tiền đâu mà nuôi con. Sau khi về quê 1, 2 tháng, tôi sẽ trở lại đây làm việc để có thêm đồng tiền nuôi con” - chị Hồng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn