MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động khó khăn, mất việc hy vọng chương trình hỗ trợ học phí hoặc miễn phí tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh được thực hiện để họ giảm khó khăn. Ảnh: Hoàng Lộc

Miễn, giảm học phí cho con công nhân lao động mất việc, giảm việc là việc làm ý nghĩa

HOÀNG LỘC LDO | 03/06/2023 12:02

Người lao động và cán bộ Công đoàn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ủng hộ đề xuất cần có thêm những chương trình hỗ trợ miễn học phí hoặc miễn phí tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh là con công nhân lao động khó khăn, mất việc làm trong năm học 2023 - 2024.

Ưu tiên lo cho học sinh học tập

Thu nhập hiện tại của vợ, chồng chị Lâm Thị Trúc Giang từng làm việc ở Công Ty TNHH Tỷ Bách (Khu công nghiệp Bình Minh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) chưa đến 10 triệu đồng do hiện nay chị Giang bị nghỉ việc vì công ty không có đơn hàng để sản xuất như thời gian trước.

Chị Giang cho biết: Hiện nay, ông xã đi làm phụ hồ, mỗi ngày cũng được 200 - 250 nghìn đồng. Còn chị thì trước nhà trọ mở 1 sạp nhỏ bán rau, cải để kiếm thêm mỗi ngày chừng 50 - 100 nghìn đồng nhưng mỗi tháng phải chi tiền rất nhiều, từ tiền phòng trọ 1,5 triệu đồng, tiền học của 2 con cũng hết hơn 3 triệu đồng.

"Trước đây còn đi làm, mỗi tháng tiền lương của riêng tôi cũng gần 6 triệu đồng, còn hiện nay chỉ trông chờ vào nguồn thu của ông xã. Tôi cũng muốn xin việc làm mới, nhưng đa số công ty không tuyển lao động do không có đơn hàng sản xuất. Có công ty nhỏ, cơ sở sản xuất tuyển lao động nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho công nhân nên tôi cũng không vào làm" - chị Giang cho biết thêm.

Người lao động khó khăn, mất việc hy vọng chương trình hỗ trợ học phí hoặc miễn phí tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh được thực hiện để họ giảm khó khăn. Ảnh: Hoàng Lộc
Cũng với hoàn cảnh giảm giờ làm, giảm thu nhập nên tiền thực lĩnh của vợ, chồng anh Nguyễn Tấn Khương - công nhân Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam, chi nhánh Vĩnh Long - chưa đến 20 triệu đồng/tháng, nếu như trước đây là khoảng 24 - 25 triệu đồng.

Với số tiền này anh, chị phải chi tiền trả ngân hàng 5 triệu đồng/ tháng (mua đất, cất nhà), tiền học của 2 người con lớn ở TP Hồ Chí Minh gần chục triệu đồng mỗi tháng, còn 2 con nhỏ học cấp 2 cũng gần 4 triệu đồng/tháng, trong đó tiền học thêm tiếng Anh hơn hơn 1,5 triệu đồng/tháng.

"Thắt chặt chi tiêu từ những bữa cơm, đến các bữa tiệc tùng, cà phê để đủ tiền chăm lo các con ăn học không để thua sút bạn bè, mình người lớn thì sao cũng được" - anh Tấn Khương tâm sự.

Hy vọng được miễn giảm học phí

Với đề xuất hỗ trợ miễn học phí hoặc miễn phí tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh là con công nhân lao động khó khăn, mất việc làm trong năm học 2023 - 2024 được đa số người lao động ủng hộ, đặt hy vọng rất cao nếu chương trình này được triển khai thực hiện trong năm học tới để giảm áp lực về kinh tế cho họ.

Theo chị Trúc Giang, chương trình này triển khai thực hiện là rất cần thiết trong thời gian này, có như vậy những người lao động như chị giảm được một phần chi phí rất lớn, con nhỏ có đủ điều kiện học tập để trang bị kiến thức để sau này xin việc làm cũng dễ.

Anh Tấn Khương cho hay: “Hai con lớn của tôi đang theo học ở TP Hồ Chí Minh đã tính dừng việc học từ đầu năm nay để đi làm nhằm san sẻ cực khổ với cha mẹ khi thấy thu nhập của vợ chồng tôi thiếu trước hụt sau. Nhưng tôi đã phân tích cho các con hiểu là phải đi học có cái nghề trước để đi xin việc cũng dễ và có thu nhập cao hơn vợ chồng tôi hiện tại”.

Ngày 3.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Văn My - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long - cũng bày tỏ đồng tình, ủng hộ với việc giảm học phí cho con công nhân, đây là việc làm rất có ý nghĩa.

Theo ông My, nếu chương trình này được thực hiện sẽ giúp rất nhiều cho công nhân vì hiện nay, tình hình sản xuất của các công ty trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn còn gặp khó, chưa phục hồi như trước dịch COVID-19.

"Khó khăn về học phí dẫn đến nhiều khả năng các em học sinh không tiếp tục con đường học hành mà sang lao động để kiếm thu nhập. Từ đó, chất lượng lao động có kiến thức, lao động có tay nghề giảm xuống, lao động chân tay gia tăng" - ông My nói thêm.

Đến thời điểm hiện tại, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long đã chi hỗ trợ cho hơn 1.400 đoàn viên Công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng với số tiền trên 2,3 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn