MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để CNLĐ tham gia lao động sản xuất đạt hiệu quả, tổ chức công đoàn cần quan tâm xây dựng các khu thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động. Ảnh: H.L

Miền Trung: Công nhân thiếu chỗ chơi sau giờ làm việc

HỮU LONG LDO | 22/04/2017 05:45
Mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho người lao động (NLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên địa bàn cả nước luôn được Chính phủ và các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế đời sống của NLĐ tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện vẫn còn “khoảng trống” cần lấp đầy.

Không có nơi vui chơi?

Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh có 150 nhà văn hóa thể thao, 5 nhà đa năng, 45 sân cầu lông (trong nhà thi đấu), 161 bàn bóng bàn, 15 sân tennis, 356 sân bóng đá, 28 bể bơi... phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ. Riêng LĐLĐ tỉnh cũng đã nỗ lực xây dựng một khu thiết chế là Nhà Văn hóa KCN Điện Nam - Điện Ngọc (gồm nhà thi đấu đa năng, nhà trẻ).

Mặc dù đời sống văn hóa, tinh thần cho CNVCLĐ luôn được tổ chức CĐ đặt lên hàng đầu nhưng vẫn còn không ít NLĐ tại các KCN chưa được hưởng thụ đầy đủ vì nhiều lý do khác nhau. Chị Trần Thị Hồng (công nhân Cty giày Rieker Việt Nam đóng tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, vì cuộc sống mưu sinh nên vợ chồng chị phải đi làm trên Tây Nguyên. Hằng ngày chị vừa đi làm vừa nuôi 2 con nhỏ. “Tôi làm việc từ 7 - 15h chiều là tan ca, ngay sau khi ra khỏi cổng Cty là tôi lại tất tả vào chợ mua đồ ăn để nấu cho 2 con. Đến khi về tới phòng trọ rất mệt mỏi nhưng tôi cũng cố gắng làm thêm đơn đặt hàng của Cty để kiếm thêm thu nhập. Toàn bộ thời gian của tôi đều dành cho công việc và chăm sóc con nhỏ nên chẳng có cơ hội nào để mua sắm hoặc vui chơi giải trí gì cả” - chị Hồng than thở.

Tương tự, Hoàng Đình Dũng (NLĐ tại chi nhánh BITI’S tại Đà Nẵng) nêu thực tế, trên địa bàn thành phố mặc dù đã có nhà văn hóa lao động phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ, tuy nhiên do vị trí nhà văn hóa nằm cách biệt so với các KCN nên bản thân anh và nhiều người thường có tâm lý ngại đi xa. “Đời sống CNVCLĐ chúng tôi vô cùng tẻ nhạt. Ngoài giờ làm, chúng tôi chỉ biết sử dụng điện thoại thông minh hoặc liên lạc về cho người thân. Chúng tôi cũng mong muốn tổ chức CĐ cần tiếp tục quan tâm, sớm xây dựng nhiều khu thiết chế tại các KCN phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ. Một khi đời sống văn hóa, tinh thần của NLĐ được đảm bảo, tôi tin chắc rằng chúng tôi sẽ yên tâm tham gia vào lao động sản xuất” - anh Dũng chia sẻ.

Cần tiếp tục quan tâm

Trao đổi với PV Báo Lao Động về thực trạng đời sống tinh thần của công nhân (CN) trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua, ông Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Quảng Nam - thừa nhận, mặt bằng chung của CN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu những thiết chế về văn hóa như nhà trẻ, nhà ăn, nhà sinh hoạt, trường mẫu giáo… dành cho CN và NLĐ. Theo ông Sơn, trước nhu cầu chính đáng của CNLĐ, hiện tổ chức CĐ đã quyết định xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết chế văn hóa tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ. “Hàng vạn CNVCLĐ hiện vẫn đang thiếu các thiết chế văn hóa. Chính vì vậy, tôi đã đề nghị CĐ cấp trên trong thời gian tới nên quan tâm hơn nữa tới các thiết chế đời sống văn hóa cho CNLĐ, tăng cường các hoạt động vui chơi sinh hoạt để CN có thể yên tâm trong quá trình sản xuất. Đối với các KCN đang xây dựng, chúng ta cũng cần tính toán dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa” - ông Sơn cho biết.

Ông Lê Chí Thành - Chánh văn phòng LĐLĐ TP. Đà Nẵng - cho hay, hiện UBND TP. Đà Nẵng đã đồng ý bố trí hai khu vực tại KCN Hòa Khánh và KCN Hòa Cầm với diện tích 8,6ha để xây dựng các khu thiết chế văn hóa cho CN. Cùng với đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đồng ý chủ trương cải tạo khu ký túc xá phía tây của thành phố (gần hồ Bàm Tràm) để tạo thành nhà ở cho CN và các công trình nhà trẻ, khu vui chơi giải trí. “Để giải quyết nhu cầu trước mắt về việc thiếu hụt các khu thiết chế như nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con CNLĐ, CĐ Đà Nẵng từng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng đầu tư xây dựng bổ sung, mở rộng các trường lớp mẫu giáo công lập, tư thục tại các phường xã gần các KCN; chỉ đạo UBND các quận/huyện hỗ trợ về vốn vay cho các nhóm, lớp có nhu cầu để cải tạo lại cơ sở vật chất đảm bảo theo quy định” - ông Thành nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn