MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân HVS duy trì sản xuất trong điều kiện bình thường hoá với dịch COVID-19. Ảnh: Thái Vũ

Miền Trung: Đề xuất cho F0 đi làm trên tinh thần tự nguyện

Phương Linh - Tường Minh LDO | 29/03/2022 15:33

Đà Nẵng - Hầu hết địa phương ở Miền Trung, người lao động là F1 của dịch COVID-19 vẫn đi làm bình thường và đang có đề xuất cho F0 đi làm trên tinh thần tự nguyện.

Lãng phí thời gian nếu cách ly F1

Anh Hào (39 tuổi, trú xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) làm công nhân xây dựng tại một công trình ở khu vực Bãi Dài hơn 2 năm qua. Mặc dù mỗi khi vào công trình, anh Hào đều phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, test định kỳ… nhưng anh vẫn mắc COVID-19.

“Tôi không biết nguồn lây từ đâu nhưng so với trước thì tinh thần đón nhận có thể mắc bệnh đã khác đi rất nhiều. Không còn lo sợ, kỳ thị như trước nên tôi vẫn sinh hoạt bình thường. Không có triệu chứng nên tôi tranh thủ ngày nghỉ ở nhà tự sửa sang lại công trình phụ của gia đình. Tôi thấy nếu đi làm thì tôi vẫn làm việc được bình thường”- anh Hào chia sẻ.

Anh Diệu (quê ở Quảng Nam) đang làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử ở khu công nghiệp Hoà Khánh, thành phố Đà Nẵng. Anh Diệu đang là F1 do cả vợ và hai con của anh đang là F0. Tuy nhiên, anh Diệu vẫn được đi làm bình thường và được test 3 ngày một lần.

“Tôi vẫn âm tính và sức khoẻ bình thường, nếu phải ở nhà tự cách ly như trước đây thì quá lãng phí thời gian, trong khi công ty rất nhiều việc cần chúng tôi hoàn thành” - anh Diệu nói.

“Nên để F0, F1 đủ điều kiện đi làm không nên chần chừ nữa” là ý kiến của đại đa số người lao động khi được hỏi. Theo anh Công (trú phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang) - nhân viên kỹ thuật tại một khách sạn ở Nha Trang: “Hai năm qua, dịch bệnh đã khiến đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời cũng đã có nhiều kinh nghiệm chống, ứng phó với dịch, bảo vệ an toàn bản thân trước dịch bệnh vì thế không nên hạn chế lao động. Phải thích ứng cụ thể bằng việc bố trí việc làm, địa điểm làm phù hợp nếu F0 muốn đi làm. Riêng F1 vẫn đi làm bình thường chỉ cần tuân thủ khẩu trang, sát khuẩn”.

Doanh nghiệp sẽ không đủ nhân lực

Theo ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Khánh Hoà, đợt dịch từ ngày 23.6.2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 114.355 ca. Và nếu theo quy định cách ly F0, F1 thì việc phục hồi kinh tế lúc này sẽ không thể đáp ứng vì thiếu nhân lực. 

Thống kê của Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyunhdai Việt Nam (HVS) - một trong những doanh nghiệp có đông công nhân lao động nhất nhì tỉnh thì từ tháng 7.2021 đến nay có gần 2.000/4.500 trường hợp CNLĐ làm việc tại đây là F0 và F1. Trong đó, có những ngày cao điểm gần 200 lao động được xác định là F0, F1.

Trải qua những ngày điểm nóng, phải tạm dừng hoạt động, phải căng óc "bốc" nhân lực xanh trong từng thôn, từng xã để bố trí nhân lực 30%, 50% duy trì hoạt động của nhà máy. Với đặc thù công nhân lao động (CNLĐ) trải dài nên nếu cho F0, F1 nghỉ dài ngày, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm bớt công việc, chậm lại.

Ông Lê Văn Toàn - Phó Giám đốc HVS - cho rằng: “Cho F0 đi làm hiện nay có 2 nội dung là ổn định nguồn nhân lực cho nhà máy, thứ 2 là tạo điều kiện cho người lao động có việc làm đảm bảo đời sống.

F0 đi làm, tôi ủng hộ nhưng phải chia ra là F0 nào không có triệu chứng, sức khỏe đảm bảo, đăng ký đi làm mới được đi và khi đi làm thì phải tuân thủ một số quy định vượt qua những quy định hiện tại như phải tự kiểm tra, khai báo sức khỏe thường xuyên, hạn chế tiếp xúc tối đa nhất có thể đối với người khác...”.

Ủng hộ F1 và F0 đi làm bình thường cũng là quan điểm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 - doanh nghiệp có gần 3.000 công nhân lao động ở Đà Nẵng.

“Hiện F0 thì chưa nhưng người lao động là F1 của chúng tôi vẫn đi làm bình thường. Có những thời điểm, doanh nghiệp chúng tôi có đến 500 F0, nếu vẫn giữ biện pháp cách ly như trước đây thì chúng tôi không còn lao động để làm việc.

Nếu không cho họ đi làm, doanh nghiệp không những không có người làm việc mà cả quỹ Bảo hiểm Xã hội cũng có nguy cơ vỡ theo” - bà Lê Hải Châu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt may 29/3, nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn