MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tỉnh thành Miền Trung đỏ mắt tìm người xuất khẩu lao động do tâm lý ngại làm xa nhà. Ảnh: Phương Linh

Miền Trung: Đỏ mắt tìm không ra người đi xuất khẩu lao động

Phương Linh - Tường Minh LDO | 16/03/2022 16:27
Nhiều tỉnh thành miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hoà... đỏ mắt tìm không ra người đi xuất khẩu lao động.

Ở gần nhà quen rồi

Sau gần 5 tháng thất nghiệp, anh Huỳnh Thanh Nam, 30 tuổi, trú xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trước chuyên lái tàu du lịch, đến Trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc phù hợp.

Anh Nam cho biết: “Có tham gia phỏng vấn 2 lần rồi nhưng vẫn chưa đi làm được vì việc cũ ít nơi cần, còn việc mới thì tôi đi làm được một tuần rồi nhưng không phù hợp nên lại lên tìm tiếp”.

Khi được hỏi anh có nghĩ đến đi xuất khẩu lao động thu nhập sẽ cao hơn, anh lắc đầu: “Chưa nghĩ đến. Ở gần nhà quen rồi, lương cao mà đi xa 2-3 năm trời cũng ngại”.

Không muốn đi xuất khẩu lao động vì ngại làm xa, khổ cũng là tâm lý chung của rất nhiều lao động tại địa phương này và một số tỉnh lân cận. Bởi thế nhiều năm qua khu vực này số lao động đi xuất khẩu cũng chỉ nằm ở con số hàng trăm nhỏ khiêm tốn.

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2011-2014 toàn tỉnh có 1.723 người đi xuất khẩu lao động thông qua nhiều kênh.

Sau giai đoạn này, tỉnh đã ban hành đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong giai đoạn từ 2016-2020 với mục tiêu bình quân mỗi năm 100 lao động. Tuy nhiên thực tế, con số này để đạt được cũng khá trầy trật.

Tình trạng chung

Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: Năm 2021, số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là 94 người, đạt 94% kế hoạch. Trước đó, năm 2020, con số này là 61 người.

Mặc dù chỉ tiêu bình quân mỗi năm Khánh Hòa sẽ đưa 100 lao động đi xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài nhưng thực tế nhu cầu lao động đi khu vực này rất ít.

“Chúng tôi đã tuyên truyền vận động nhiều năm trước nhưng không khả quan. Mà đây cũng là tình trạng chung của khu vực Nam Trung Bộ do tâm lý, phong cách người địa phương. Chủ yếu nữa là do du lịch phát triển mạnh nên việc làm nhiều, lao động ít, do vậy người ta không mặn mà đi xuất khẩu lao động”- ông Tri chia sẻ.

Tại Đà Nẵng, theo số liệu từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố, trước dịch COVID-19, năm cao điểm nhất cũng chỉ có hơn 200 lao động được xuất khẩu ra nước ngoài. Nguyên nhân được lý giải là do ở Đà Nẵng luôn thừa việc làm và hơn cả là tâm lý không muốn đi làm xa của người dân địa phương.

Hơn 2 năm trở lại đây, tình hình còn tệ hơn và thậm chí chuyện xuất khẩu lao động còn không có trên bàn nghị sự của Sở này bởi dịch bệnh kéo dài, các chuyến bây quốc tế đóng cửa nên các đơn vị môi giới gần như không hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn