MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp tại Khánh Hoà tổ chức sản xuất theo mô hình điều phối lao động theo công việc ưu tiên. Ảnh: P. Linh

Miền Trung: Doanh nghiệp khó khăn vì nhiều lao động là F0

Tường Minh - Thanh Thuý LDO | 11/03/2022 11:37
Các doanh nghiệp ở miền Trung đang khó khăn với tình trạng thiếu hụt lao động do người lao động và cả quản lý là F0 ngày một  nhiều.

Tăng ca để đảm bảo sản xuất

Hiện Công ty CP Caosu Đà Nẵng có hơn 200 công nhân là F0 phải nghỉ làm để điều trị và cách ly tại nhà. Ngoài việc sắp xếp nhân sự thay phiên nhau làm việc, công ty phải tổ chức tăng giờ làm từ 8 tiếng lên 12 tiếng mỗi ngày.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết: “Sau Tết Âm lịch, có ngày thiếu tới 30% nhân lực do nhiều lao động là F0. Doanh nghiệp có 2.000 lao động, có lúc lên mấy trăm ca F0. Chúng tôi phải tăng giờ, trả lương thêm giờ. Hiện nay, dù năng lực thâm hụt rất lớn nhưng năng suất lao động vẫn đảm bảo. Ngoài hỗ trợ của bảo hiểm xã hội, chúng tôi dự kiến tăng cường quỹ thưởng vào quý 1 này để người lao động yên tâm làm việc”.

Cũng theo ông Nhựt, doanh nghiệp vẫn duy trì việc test nhanh cho tất cả lao động là F1 vào đầu ca làm việc. Ngoài ra, Công đoàn Công ty tặng khẩu trang, vitamin C, nhu yếu phẩm cho NLĐ...

Tại Khánh Hoà, ông Lê Văn Toàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam cho biết, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay toàn công ty đã ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm COVID-19, hiện còn gần 300 trường hợp đang điều trị F0. Cao điểm có ngày công ty ghi nhận 100 trường hợp dương tính; hiện mỗi ngày ghi nhận trung bình hơn 20 ca nhiễm COVID-19... Nhiều bộ phận không đủ người để triển khai khối lượng công việc; một số tổ sản xuất phải tạm dừng…

Phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm

Theo bà Trương Thị Thu, Chủ tịch CĐ KKT-KCN Khánh Hoà, hiện 50% doanh nghiệp trong KCN đang đăng ký tuyển dụng lao động vừa phục vụ nhu cầu tăng sản xuất trở lại vừa tuyển dụng bổ sung để bù vào số lao động đang là F0, F1.

Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp trong Khu CNC&CKCN có hơn 3.000 lao động mắc COVID-19. Riêng tại KCN Hòa Khánh, 2 ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới tăng từ 500 đến 600 ca mỗi ngày. Ông Trần Văn Tỵ - Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho biết, hầu hết công nhân được tiêm đủ vaccine cộng với việc phát hiện sớm, cách ly kịp thời nên hạn chế được việc lây nhiễm. 

“Số ca nhiễm phát sinh cao trong khu công nghiệp từ giữa tháng 2 đến nay, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Chúng tôi tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch, đặc biệt xét nghiệm sàng lọc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao; triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho 100% người lao động. Phối hợp với các đơn vị làm thủ tục hưởng trợ cấp đối với các ca bệnh là F0 và F1 theo quy định. Đề nghị, các doanh nghiệp, các cấp Công đoàn chăm lo tốt cho người lao động”, ông Tỵ nói. 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng phối hợp các ngành chức năng triển khai hệ thống phần mềm phục vụ phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trực tuyến trên hệ thống của ban quản lý theo địa chỉ https://danang.atalink.com. Đồng thời thành lập trạm y tế lưu động  tại KCN Đà Nẵng (quận Sơn Trà) và KCN Liên Chiểu (quận Liên Chiểu) từ cuối tháng 1, làm điểm kết nối công tác xét nghiệm, phát hiện các trường hợp F0 cũng như chăm sóc y tế cho người lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Hiện nay, đã có 90% công nhân làm việc tại KCNC&CKCN đã tiêm vaccine mũi 3; dự kiến đến đầu tháng 3 sẽ phủ sóng toàn bộ 100%. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc thiết lập điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại KCN, Ban quản lý phối hợp Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Công ty TNHH Massda Land (đơn vị quản lý KCN Đà Nẵng) và các đơn vị liên quan khảo sát và thống nhất lựa chọn địa điểm tại dự án của Chi nhánh Công ty TNHH Phần mềm FPT tại thành phố Đà Nẵng, đường số 1 (KCN Đà Nẵng) làm địa điểm tiêm chủng cho người lao động tại KCN trên địa bàn quận Sơn Trà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn