MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 1.300 CNLĐ làm việc tại Công ty Đồ bơi Thống Nhất (Khu công nghiệp Suối Dầu) phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1.6. Ảnh: Phương Linh

Miền Trung hậu giãn cách vì dịch: Vẫn còn hàng chục ngàn lao động mất việc

Tường Minh - Phương Linh LDO | 26/06/2020 10:12
Hậu giãn cách vì dịch COVID-19, tại các tỉnh miền Trung, việc làm trong các ngành du lịch, giao thông vận tải, may mặc, thủy sản đang là vấn đề nóng bỏng với hàng ngàn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, tạm ngừng việc không lương, phải làm việc luân phiên. Và dự báo trong 2 tháng tới con số này sẽ còn tăng khi các doanh nghiệp xuất khẩu không thể cầm cự, thiếu đơn đặt hàng còn ngành du lịch thì còn lâu mới hồi phục như mong đợi.

Là địa phương những năm gần đây kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ du lịch, thế nhưng gần 6 tháng ảnh hưởng dịch COVID-19 thành phố du lịch của Khánh Hòa “bất động” với hàng nghìn khách sạn, khu du lịch vắng im lìm.

Từ tháng 2.2020 đến nay,  90% lao động ngành du lịch phải ngừng việc. Thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa ít nhất 17.000 lao động chính thức hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ăn uống, giải khát… không có việc làm. 

Anh Phương, tổng quản lý một khách sạn 4 sao trên đường Trần Phú (TP Nha Trang) ngậm ngùi nói: “Chúng tôi cầm cự được đến hết tháng 3. Sau đó buộc phải cho toàn bộ 100 lao động nghỉ chỉ giữ lại một số ít bảo vệ. Bây giờ dịch tạm ổn nhưng mọi thứ vẫn đang dưới đáy nên chưa dám thông báo cho anh em khi nào đi làm lại”.

Trong khi đó, Chị Hoàng Thị Thái, nhân viên Khu du lịch Trăm Trứng, nhiều ngày xoay xở vẫn đang mòn mỏi tìm việc. Chị Thái chia sẻ: “Tôi cùng 400 người công ty cho tạm nghỉ việc không lương, không trợ cấp từ tháng 2 đến nay. Công ty mới thông báo mở hoạt động trở lại từ 1.8, nhưng chỉ tiếp nhận lại một số ít lao động, tôi vẫn đang hi vọng”.

Đến hết tháng 5.2020, hơn 800 doanh nghiệp tại Khánh Hòa đăng ký tạm dừng kinh doanh. Tại các khu công nghiệp, lao động mất việc làm gia tăng trong 3 tháng qua. Ông Hồ Văn Lộc, phó chủ tịch Công đoàn KKT-KCN Khánh Hòa cho biết, đến hết tháng 5.2020, có 11 DN và 5.453 lao động ảnh hưởng việc làm do dịch COVID-19.

Đặc biệt, công ty chuyên may mặc xuất khẩu Bơi Thống Nhất- doanh nghiệp đông CNLĐ nhất KCN Suối Dầu (1.800 lao động) vừa cho hơn 1.360 lao động ngưng việc trong 3 tháng 6,7,8/2020. Tiếp đến là công ty Komega-X cho 1.000 lao động tạm nghỉ. Trong số, lao động bị ảnh hưởng việc làm sau dịch có 786 lao động chấm dứt HĐLĐ, 1.861 tạm hoãn HĐLĐ, lao động làm việc luân phiên là hơn 2.800 người.

Tại Quảng Nam, thống kê từ Sở LĐTB&XH cho biết, đến thời điểm này vẫn còn hơn 11.000 lao động bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch COVID-19 gặp khó khăn do phải mất việc, nghỉ việc. Trong số này, Sở LĐTB&XH tỉnh đã tiến hành phân chia thành các nhóm như: chấm dứt hợp đồng lao động 776 người, ngừng việc 7.019 người và số nghỉ không lương là 3.937 người.

Tại Đà Nẵng, trong những ngày cao điểm của dịch COVID-19, có hơn 60 ngàn lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do ảnh hưởng dịch. Trong số hơn 60 ngàn lao động bị mất và thiếu việc làm, có hơn 46 ngàn lao động ở các đơn vị có tổ chức Công đoàn do LĐLĐ thành phố Đà Nẵng quản lý.

Đặc biệt trong khối du lịch, theo thống kê từ LĐLĐ thành phố, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, làm việc luân phiên là trên 23.000 người.

Đáng nói là đến thời điểm này, ngành du lịch thành phố vẫn đang từng bước hồi phục với hơn 500/1000 cơ sở lưu trú đã mở cửa đón khách trở lại, đồng nghĩa với việc 50% của con số hơn 23.000 lao động vẫn đang trong cảnh thất nghiệp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn