MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động ngành du lịch, dịch vụ ở miền Trung phải chuyển nghề do không có việc làm. Ảnh: Phương Linh

Miền Trung: Lao động khối du lịch chuyển nghề

Minh Linh Chung LDO | 23/02/2021 10:00
Một mùa nghỉ Tết kéo dài cộng với tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến thị trường lao động ở các tỉnh miền Trung biến động theo chiều hướng tiêu cực.

Thị trường lao động đầu năm biến động

Chị T vốn là lễ tân trưởng của một khách sạn 5 sao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, nay chị T là một nhân viên ở bàn đón tiếp bệnh nhân tại một phòng khám tư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

“Dịch kéo dài, khách sạn không có khách nên gần như toàn bộ nhân viên phải nghỉ việc không lương dài hạn. Phòng khám này là của một người quen. Dù sao có việc làm kiếm vài triệu đồng tiền lương một tháng vẫn còn khá hơn rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang loay hoay với đủ thứ nghề tay trái ngoài kia nhưng vẫn không kiếm đủ tiền nuôi chính bản thân mình qua ngày” - chị T rớm nước mắt sau lớp khẩu trang gần như phủ kín mặt.

Có hàng chục nghìn chị T như thế ở khắp các tỉnh thành từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa... là lao động của khối du lịch, dịch vụ sau một đêm bỗng trở thành “nạn nhân” của dịch COVID-19.

Tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh - cho biết, năm 2020, toàn tỉnh có hơn 20.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Khánh Hòa, tâm lý chờ đợi du lịch phục hồi và tâm lý so sánh thu nhập trước đây cũng như hiện tại đang khiến nhiều người mất đi cơ hội việc làm.

Chị Hoàng Thị Thái - nguyên là nhân viên spa của Khu du lịch Trăm trứng - chia sẻ: “Một năm qua, khu du lịch đóng cửa, tôi chạy xin việc khắp nơi nhưng thực tế thu nhập và tay nghề thấy không tương xứng nên nản. Sau, tôi chọn hướng đổi việc sang kinh doanh giống hoa online. Sự chuyển đổi đó lúc đầu cũng khó khăn nhưng giờ đã ổn định và cho thu nhập tốt”.

Các doanh nghiệp vẫn giữ chân được người lao động sau Tết

Khác với mọi năm, năm nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn giữ chân được người lao động (NLĐ) trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết. Từ ngày 17.2 (mùng 6 tháng Giêng), hơn 3.000 công nhân (CN) Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai - Việt Nam trở lại làm việc đầy đủ.

Đại diện công ty cho hay: “Năm nay, lao động xa quê đa số không về quê ăn Tết vì lo ngại dịch nên sau những ngày nghỉ Tết, tâm lý NLĐ muốn trở lại làm việc sớm, không khí làm việc những ngày đầu năm phấn chấn hơn”.

Tại các KCN trên địa bàn tỉnh, khác với những năm trước, nỗi lo “chảy máu” lao động sau Tết của các DN sản xuất đã không còn khi 100% CNLĐ đều trở lại làm việc. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Trưởng Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Komega-X - thông tin: Hơn 1.100 lao động toàn Cty đã trở lại làm việc từ ngày 18.2.

Theo Bà Huỳnh Thị Nam Khánh - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế - Khu công nghiệp (KKT-KCN) tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này, tất cả DN trong KCN Suối Dầu đều đã hoạt động sản xuất trở lại. Thống kê của các DN thì 100% lao động trở lại làm việc, không có tình trạng bỏ việc sau Tết như các năm. Một số đơn vị dù khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng vẫn nỗ lực duy trì không cắt giảm lao động. Đầu năm nay, các DN vẫn chưa đưa ra chương trình tuyển dụng lao động do đang chờ tình hình chuyển biến của thị trường, đơn hàng.

Tại Quảng Nam, bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐTBXH - nói rằng, hiện các DN trên địa bàn tỉnh bắt đầu đi làm trở lại hơn 80%. Thời gian qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đáng mừng là đến thời điểm này, các DN vẫn lo được cho NLĐ việc làm và lương thưởng ổn định. Cũng theo bà Lộc, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hầu hết DN vẫn duy trì được việc làm, thưởng Tết nên không xảy ra tình trạng người lao động nhảy việc.

Đặc biệt năm nay, các DN, đặc biệt là DN ngành dệt may, giày da ở tỉnh Quảng Nam liên tục mở rộng sản xuất nên tạo thêm được một lượng lớn lao động phổ thông là người địa phương. Ngoài ra, do dịch bệnh, nhiều NLĐ về quê ăn Tết và không thể vào làm việc trở lại cũng tạo ra cơ hội cho nhiều lao động tại chỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn