MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hữu Thông (giữa) đang làm việc tạo Phận viện trưởng Phân viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế dạng chuyên gia. (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19). Ảnh: TL

Miền Trung: Nguồn nhân lực “không tuổi” đang bị lãng phí

Hoàng Văn Minh LDO | 31/12/2021 12:14
Nguồn nhân lực “không tuổi” ở miền Trung đang bị lãng phí bởi thiếu cơ chế và “hệ sinh thái” để tận dụng chất xám và kinh nghiệm của những đối tượng này.

LĐ nghỉ hưu “họa hoằn” được ký hợp đồng

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hữu Thông nguyên là Phân Viện trưởng Phân viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế. Ông nghỉ hưu từ năm 2012 và từ đó đến nay được người kế nhiệm là TS Trần Đình Hằng mời hợp tác làm việc theo chế độ chuyên gia.

GS-TS Bùi Đức Phú là phẫu thuật viên chuyên ngành Ngoại lồng ngực tim mạch, được mệnh danh là “cây kéo vàng” của ngành Ngoại khoa Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, thôi chức Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, GS-TS Bùi Đức Phú làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Hà Nội và Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec. Đến thời điểm này, ông hợp tác làm việc với hệ thống Vinmec theo chế độ chuyên gia cao cấp.

Ở Thừa Thiên-Huế nói riêng và miền Trung nói chung, thời điểm này có hàng trăm nhân lực “không tuổi” chất lượng cao ở các lĩnh vực nghiên cứu văn hoá, giáo dục, y tế... kiểu như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông hay GS-TS Bùi Đức Phú. Tuy nhiên, để có được những hợp đồng làm việc theo kiểu “chuyên gia”, “chuyên gia cao cấp” hay “tư vấn chuyên môn”... như ông Thông hay ông Phú thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lấy ví dụ như BV Trung ương Huế, nơi hằng năm đã và đang có rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao nghỉ hưu. Tuy nhiên theo GS-TS Nguyễn Như Hiệp, Giám đốc BV thì lao động nghỉ hưu được ký hợp đồng làm việc theo dạng chuyên gia “chỉ được vài người”. Số còn lại, nhóm nhân lực tầm trung thì chỉ được mời làm việc “tuỳ vào số lượng bệnh nhân đông hay ít”. Hay như ĐH ngoài công lập Duy Tân ở Đà Nẵng, thời kỳ đầu quy tụ rất nhiều nguồn nhân lực “không tuổi”. Nhưng đến thời điểm này, theo ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của đại học này, số lao động nghỉ hưu được ký hợp đồng làm việc cũng “chỉ còn vài người”.

“Hệ sinh thái” quan hệ cá nhân

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Đà Nẵng, ở miền Trung, do đặc thù của các nền kinh tế, hiện số lao động “không tuổi” - những người được ký hợp đồng làm việc sau khi nghỉ hưu không nhiều và chỉ tập trung ở một số ngành nghề đặc thù. Ngay như Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế sôi động của miền Trung, nhưng đến thời điểm này cũng chỉ có khoảng trên dưới 2.000 lao động “không tuổi” được ký hợp đồng làm việc theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội. Số lao động này, phần lớn là lao động chất lượng cao, tập trung ở các ngành nghề liên quan đến bộ kỹ thuật cao, giảng viên đại học, y tế... còn lại là lao động phổ thông hoặc tay nghề thấp, chủ yếu được tuyển làm nhân viên bảo vệ.

Với câu hỏi chỉ trên dưới 2.000 lao động không tuổi được ký hợp đồng làm việc ở Đà Nẵng là nhiều hay ít và “hệ sinh thái” cho thị trường lao động này ở Đà Nẵng đang rộng hay hẹp? Ông Nguyễn Văn An trả lời: “Chúng tôi chưa có điều tra cụ thể từng ngành nên chưa dám khẳng định “hệ sinh thái” của Đà Nẵng rộng hay hẹp. Chỉ có thể khẳng định là con số này không lớn so với nguồn như lực hiện có”.

TS Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế - cho rằng, nguồn nhân lực “không tuổi” chất lượng cao hiện đang bị lãng phí nghiêm trọng và điều này đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất đến từ “văn hoá” của người Việt. Chúng ta, thường người sau có tâm lý “dọn sạch” và không liên quan gì đến người trước nên những hợp đồng chuyên gia để tận dụng chất xám và kinh nghiệm của các bậc tiền bối thường ở thế chẳng đặng đừng. Thứ hai, Nhà nước chưa tính đến, chưa có chủ trương, chính sách để tạo “hệ sinh thái” cho nhóm đối tượng này. Hiện những người được ký hợp đồng làm việc thường là theo “hệ sinh thái” các mối quan hệ cá nhân chứ không phải đến từ chủ trương, chính sách của Nhà nước, thậm chí cơ chế để ký hợp đồng làm việc còn bất cập, khó khăn.

“Nếu bây giờ có một nguồn tài trợ lớn, việc đầu tiên tôi làm là mời tất cả các chuyên gia nghiên cứu văn hoá, đặc biệt là trong lĩnh vực Hán Nôm ở Huế đến Phân viện để làm việc theo dạng chuyên gia. Tôi sẽ đặt hàng công trình và trả lương để họ có niềm vui, động lực và chắc chắn sẽ có nhiều kết quả ngoài mong đợi” - TS Trần Đình Hằng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn