MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu hụt lao động đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp may mặc ở miền Trung phục hồi sản xuất. Ảnh: H.C

Miền Trung nỗ lực đào tạo khẩn cấp, bổ sung lực lượng lao động

T.Hải - T.Chung LDO | 17/03/2022 07:21
Mặt dù hầu hết các địa phương đã điều chỉnh biện pháp chống dịch COVID-19 linh hoạt, phù hợp để phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tuy nhiên các doanh nghiệp ở miền Trung vẫn còn gặp khó khăn vì khắp nơi thiếu hụt nguồn nhân lực.

Tạm ngưng việc do F0

Tại Đà Nẵng, số công nhân mắc COVID-19 liên tục tăng cao trong hơn 1 tháng qua khiến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp khó khăn. Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thủy sản Thuận Phước (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - cho biết, hầu như bộ phận nào tại công ty từ quản lý, văn phòng đến các nhà xưởng đều ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Việc luôn có từ 15 - 20% công nhân phải nghỉ việc đều đặn khiến công ty gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ sản xuất. Ông Lĩnh nói: “Thời điểm trước dịch, việc tuyển thêm công nhân thời vụ không quá khó khăn bởi lực lượng lao động từ các tỉnh, thành về Đà Nẵng đông. Từ khi dịch bệnh bùng phát, lao động ngoại tỉnh rất ít ra thành phố chờ việc; công nhân thời vụ giảm còn một nửa so với trước đây”.

Ông Trần Xuân Hoè - Phó Tổng Giám đốc công ty - cho hay, công nhân mắc COVID-19 phải nghỉ làm từ 5 - 7 ngày, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến dây chuyền sản xuất, tiến độ sản xuất. Theo ông Hòe, khi phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2, công nhân sẽ báo lên quản lý và nghỉ làm; âm tính sẽ đi làm trở lại. Những người làm cùng dây chuyền vẫn làm việc bình thường, do đó, việc sản xuất vẫn được đảm bảo.

Ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho hay, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thiếu khoảng 20% lao động do công nhân phải nghỉ việc điều trị COVID-19. Việc này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đa phần các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc xử trí khi phát hiện F0 là công nhân đã đơn giản và thuận tiện hơn nhiều. Công nhân đang trong độ tuổi lao động nên sức khoẻ tốt, chỉ cần nghỉ ngơi từ 3-7 ngày là có thể đi làm trở lại. Việc thiếu hụt lao động cục bộ, các doanh nghiệp có thể điều phối bằng cách tăng ca, tuyển thêm lao động thời vụ…

Cấp tốc đào tạo nhân lực bổ sung

Trong khi đó, ngành Du lịch đang dần phục hồi nhưng lao động dịch vụ của ngành này đang thiếu hụt nghiêm trọng sau 2 năm “đóng băng” vì dịch COVID-19. Hiện các tỉnh miền Trung đang nỗ lực để đào tạo khẩn cấp để bổ sung nhân lực...

Tại Đà Nẵng, có trên 45.000 lao động ngành Du lịch dịch vụ mất việc, hoặc bỏ việc khi 80% công ty, đơn vị ngành này bị đóng cửa sau hơn 2 năm bùng phát dịch bệnh COVID-19. Dù thành phố có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng việc tuyển dụng lại số lao động cũ là rất khó khăn. Hiện chủ trương mở cửa du lịch không giới hạn, bình thường hóa mọi hoạt động để phục hồi kinh tế, thì không chỉ Đà Nẵng mà các tỉnh thành khu vực miền Trung đều rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng.

Chủ động đón làn sóng mở cửa, phục hồi du lịch, ngành Du lịch các tỉnh, thành ở miền Trung đang ráo riết thông báo tuyển dụng, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho các nhân viên.

Tại Bình Định, ngành Du lịch tỉnh thống kê có khoảng 10.500 người, trong đó hơn 9.000 người làm việc trong lĩnh vực khách sạn, lưu trú, hơn 400 hướng dẫn viên, còn lại là nhân viên làm việc trong các khu, điểm du lịch. Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nguồn nhân lực này bị biến động mạnh, hầu hết là nghỉ việc hoặc chuyển sang làm lĩnh vực khác, nhất là trong các khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên.

Hội An - “trái tim du lịch” của miền Trung - cũng trong tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng. Ở thời điểm năm 2019 trở về trước, Hội An có hơn 800 cơ sở lưu trú với 12.000 lao động hoạt động trong ngành Du lịch, dịch vụ.

Theo số liệu khác từ tổ chức Công đoàn, so với con số 4.800 đoàn viên Công đoàn ở thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19, thì hiện nay Hội An chỉ còn hơn 1.000 đoàn viên. Đáng nói, đa số là lực lượng lao động đã được đào tạo, có kinh nghiệm hiện tại cuộc sống đã ổn định và việc mời gọi họ quay lại ngành Du lịch, dịch vụ là rất khó khăn.

Hiện chính quyền các địa phương, Hiệp hội Du lịch và Trung tâm Dịch vụ việc làm đang có nhiều nỗ lực để tuyển dụng, ưu đãi, mời gọi nhân lực quay lại với ngành Du lịch. Trong đó có việc mở những lớp đào tạo miễn phí về phục vụ nhà hàng, buồng phòng, lễ tân… để có ngay nguồn nhân lực đủ, đảm bảo chất lượng phục vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn