MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đảm bảo đời sống, việc làm ổn định và công tác chăm lo cho người lao động là 1 trong những tiêu chí để bình chọn "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động ngành Dệt May" lần thứ III - năm 2021. Ảnh: Hải Anh

Mô hình thích ứng dịch bệnh là tiêu chí của Doanh nghiệp tiêu biểu vì NLĐ

Hải Anh LDO | 16/10/2021 10:45
Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, có 14 doanh nghiệp được chọn là doanh nghiệp  tiêu biểu vì người lao động ngành Dệt may lần thứ III - năm 2021. Trước tình hình dịch bệnh, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với thực tế.

Điều chỉnh tiêu chí

Do dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nên việc xét chọn "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động ngành Dệt may" năm 2021 dựa trên bộ tiêu chí chung hàng năm không phù hợp. Công đoàn Dệt may Việt Nam đã điều chỉnh tiêu chí, tôn vinh doanh nghiệp (DN vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vừa chăm lo tốt cho người lao động. Bao gồm: Kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh của đơn vị; Công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; Đảm bảo đời sống, việc làm ổn định và công tác chăm lo cho người lao động; Các mô hình sản xuất thích ứng với tình hình dịch bệnh; Công tác từ thiện, đồng hành cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh và các thành tích nổi bật khác.

Hội đồng bình xét đã thống nhất lựa chọn 14 doanh nghiệp đạt "Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động" lần thứ III năm 2021.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiệm vụ hàng đầu là phải đảm bảo sự an toàn, sức khỏe cho người lao động. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá Doanh nghiệp vì người lao động. Theo đánh giá, các doanh nghiệp đều đã chủ động xây dựng các kịch bản một cách linh hoạt và hiệu quả với nhiều giải pháp đồng bộ như: Thành lập Ban chỉ đạo và các tổ an toàn; thực hiện nghiêm chỉnh mọi qui định của Nhà nước, của Chính phủ, của địa phương về phòng, chống dịch; triển khai quét mã QR và đo thân nhiệt; kiểm soát chặt chẽ các khách hàng khi có xét nghiệm PCR mới vào công ty làm việc; kiểm soát và khử khuẩn toàn bộ các loại xe  ra vào...

Nhiều cách làm hay

Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, các doanh nghiệp được xét chọn còn là những điểm sáng trong nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ. Tại khu vực miền Bắc, dù chịu tác động bởi các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương như tạm nghỉ sản xuất, sản xuất giãn cách… nhưng các doanh nghiệp đã có các giải pháp linh hoạt để thích ứng ngay trong thời điểm dịch bùng.

Tiêu biểu như Tổng Công ty May Đức Giang đã thực hiện sản xuất an toàn 3 tại chỗ đúng quy chuẩn để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tổng Công ty May Đáp Cầu ngay khi kết thúc thời gian tạm nghỉ do dịch đã phát động thi đua 90 ngày đêm nhằm tăng năng suất lao động từ 25-30%, nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên, đáp ứng yêu cầu giao hàng. Tổng Công ty May 10 mở rộng sản xuất sang lĩnh vực trang thiết bị y tế…

Ở khu vực miền Trung, DN ứng phó bằng phương pháp điều hành phù hợp, trong đó giải quyết hài hoà hoán đổi luân phiên người lao động để duy trì thời gian sản xuất và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Công ty CP Dệt may Huế, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú đảm bảo đơn hàng và đáp ứng năng lực sản xuất cho các nhà máy, từ đó, hiệu quả kinh doanh 09 tháng đầu năm đạt và vượt mục tiêu đề ra. 3 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho khu vực miền Trung vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động từ 7 triệu đồng/tháng và duy trì đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động... chung tay đóng góp chống dịch tại địa phương với số tiền từ 2 - 6 tỉ đồng/doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp khu vực miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bùng phát mạnh dẫn đến bị ngừng, gián đoạn sản xuất. Để hạn chế tối đa việc đứt gãy sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải tổ chức sản xuất 3 tại chỗ. Mặc dù, tình hình sản xuất kinh doanh đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp tiêu biểu như Tổng Công ty Việt Tiến, Tổng Công ty Việt Thắng, Tổng Công ty Phong Phú, Công ty Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công, Công ty Quốc tế Phong Phú, Công ty Dệt May Hữu Nghị vẫn thực hiện hỗ trợ cho nhiều người lao động phải nghỉ việc tạm thời do dịch và tích cực làm các thủ tục để người lao động hưởng các gói hỗ trợ của nhà nước, hỗ trợ của Công đoàn ngành...

Với những nỗ lực đó, ước tính thu nhập bình quân năm 2021 của người lao động tại các doanh nghiệp này đạt từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Đây cũng là các doanh nghiệp có đóng góp rất lớn cho quỹ ủng hộ vắc xin, số tiền từ 2- 5 tỉ đồng trở lên/doanh nghiệp.

14 Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động ngành Dệt may năm 2021 gồm: Tổng Công ty May 10 – CTCP, Công ty CP Tổng Công ty May Đáp Cầu, Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP, Tổng Công ty Đức Giang – CTCP, Công ty CP Tiên Hưng, Công ty CP Dệt May Huế, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú, Công ty CP May Hữu Nghị,  Công ty CP Quốc tế Phong Phú, Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP, Công ty CP Dệt May - Đầu tư  - Thương Mại Thành Công, Tổng Công ty CP Phong Phú, Tổng Công ty CP May Việt Tiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn