MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khóa đào tạo kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho công nhân. Ảnh: L.T

Mở lớp nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân ngay tại nhà máy

LÊ TUYẾT LDO | 27/11/2017 06:10

Từ nay đến năm 2020, các công nhân (CN) làm việc tại TPHCM sẽ được học tập nâng cao tay nghề ngay tại nhà máy với các giảng viên đến từ các trường uy tín, kinh phí được UBND TPHCM hỗ trợ.

Dây chuyền 13 người giảm còn 1

Lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho CN, người lao động (NLĐ) đầu tiên của TPHCM được khai giảng vào sáng 22.11 tại trụ sở Cty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TPHCM). Khóa đào tạo có 60 CN chia làm 3 lớp, học trong 3 tuần, được ban giám đốc Cty Juki Việt Nam tuyển chọn từ hơn 1.500 CN đang làm việc tại Cty. Ông Đào Quốc Cường - Giám đốc nhân sự Cty Juki Việt Nam - cho biết: Mục tiêu của nhà máy là tăng năng suất lao động 1% mỗi tháng, cả năm là tăng 12% năng suất. Để tăng năng suất, Cty phải không ngừng cải tiến khoa học kỹ thuật và nâng cao tay nghề cho CNLĐ.

“Trước đây dây chuyền vận chuyển này có 13 CN, sau khi sử dụng robot thì còn 3 CN. Để làm được 1 vòng tròn trong thiết bị máy may, trước đây khâu này cần 11 người, giờ chỉ còn 1 người giám sát. Các CN bị máy móc thay thế, chúng tôi đào tạo lại rồi đưa đến những khâu khác, mở rộng sản xuất. Tại Cty Juki, có hai loại hình đào tạo CN, đó là đào tạo ngay tại chỗ, tại nhà máy và đưa ra ngoài, gửi đi các trường” - ông Cường chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - cách mạng công nghệ 4.0 không còn ở đâu xa, chính là sự thay đổi trong từng khâu, bộ phận, chuyền, nếu NLĐ không thay đổi, không nâng cao trình độ, tay nghề, sẽ bị đào thải. “Để mở được lớp đào tạo này, Sở LĐTBXH và LĐLĐ TPHCM có gần 1 năm để chuẩn bị, lựa chọn nghề, CN. Sau khóa đào tạo, chúng tôi đề nghị Cty đánh giá lại, so sánh năng suất lao động trước và sau khi NLĐ được đào tạo, rút kinh nghiệm và sẽ tiếp tục mở các lớp khác nếu DN có nhu cầu”.

Ông Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM - cho biết: Để chuẩn bị giáo án cho khóa học, các giảng viên của trường đã dành nhiều thời gian nghiên cứu máy móc tại nhà xưởng của Cty, đánh giá ưu, khuyết điểm. Giảng viên sẽ trực tiếp giảng dạy cho các học viên ngay trên máy, mục tiêu là hoàn thiện hơn nữa thao tác, rút ngắn thời gian làm việc, góp phần tăng năng suất lao động cho DN và nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ.

Chính quyền, doanh nghiệp và người lao động cùng vào cuộc

CN Triệu Thanh Mẫn (35 tuổi, làm việc tại Cty Juki hơn 7 năm) là một trong những học viên đầu tiên của khóa đào tạo, chia sẻ: “Học xong lớp 12, tôi xin vào làm CN tại Cty Juki với mức lương học việc, sau đó được Cty đào tạo và làm tại bộ phận chế tạo máy. Khi biết có khóa học và được chọn, tôi rất mừng. Thời gian đào tạo 3 tuần là hơi ngắn, tuy nhiên, tôi hy vọng, thầy cô sẽ gợi mở để chúng tôi biết nhiều hơn, sau đó tự mình tìm hiểu để nâng cao tay nghề”.

Lớp học được Cty Juki Việt Nam hỗ trợ địa điểm. Ngoài ra, trong thời gian CN theo học, Cty vẫn chi trả lương đầy đủ cho các CN. “Để các CN theo học được khóa này, chúng tôi đã bố trí CN thay thế để sản xuất không bị ảnh hưởng. Chúng tôi cho rằng, đào tạo xong, không chỉ CN được lợi mà chính DN cũng được lợi. Bởi khi tay nghề của NLĐ được nâng lên, năng suất lao động của DN cũng sẽ tăng theo” - ông Nakao KenJi - Tổng Giám đốc Cty Juki Việt Nam - cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, khóa đào tạo tại Juki là khóa đầu tiên, từ nay đến hết năm 2020, TPHCM sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo miễn phí cho CN ở tất cả các loại hình DN với 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 8 nhóm ngành dịch vụ mà TPHCM đang muốn đẩy mạnh như cơ khí, công nghệ thông tin, hoá dược, điện tử, chế biến thực phẩm.

TPHCM cũng sẽ lựa chọn các trường nghề có uy tín với những ngành thế mạnh, gần DN để mời tham gia. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề cho CN nhằm thích ứng với sự phát triển của công nghệ, gia tăng năng suất, nâng cao lượng nguồn nhân lực thành phố. Để thành công, chương trình cần sự hợp tác giữa các bên gồm chính quyền, DN và NLĐ” - ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn