MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh: Lương Hạnh.

Mở nhiều quy định cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

LƯƠNG HẠNH LDO | 16/10/2023 21:05

Tính đến tháng 10.2023, cả nước có 132.381 lao động nước ngoài đang làm việc. Nghị định số 70/2023/NĐ-CP đã có nhiều nội dung tạo thuận lợi cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó thủ tục hành chính là nội dung được giảm nhiều nhất có thể.

Chiều ngày 16.10, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) tổ chức Hội thảo phổ biến Nghị định 70 (Nghị định sửa đổi Nghị định 152 về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam).

Tính đến tháng 10.2023, cả nước có 132.381 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó: Số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 10.458 người (chiếm 7,8% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam);

Theo báo cáo của các địa phương, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ lệ trên 72% tập trung chủ yếu trong lĩnh vực như: Khoa học công nghệ, sản xuất trong các ngành điện tử, dịch vụ, giáo dục và đào tạo...

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng: Năm 2010, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI là 1,44 triệu người. Đến năm 2022, lao động làm việc trong các doanh nghiệp này đạt 5,09 triệu người. Bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360 ngàn lao động vào làm việc.

Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như: Dệt may, Da giày. Hiện nay, tỉ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn để phục hồi, ổn định nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; đồng thời phản ánh một số vướng mắc, khó khăn, bất cập một số quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18.9.2023.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30.12.2020.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lương Hạnh.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, doanh nghiệp cùng với cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên đối thoại trực tiếp. Công tác về quản lý lao động nước ngoài được Việt Nam hết sức quan tâm. Trong nghị quyết của chính phủ về phát triển thị trường lao động xác định, lao động nước ngoài là bộ phận không thể tách rời trong thị trường lao động Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuỳ từng thời kỳ cân đối bổ sung giữa lực lượng lao động trong nước và nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cục Việc làm trình Bộ, Chính phủ để giảm bớt một số thủ tục trong quá trình cấp giấy phép, quản lý lao động nước ngoài.

"Đối với Nghị định 70, mọi thủ tục hành chính đều được giảm nhiều nhất có thể. Chúng tôi bàn rất kỹ việc này nhằm thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng không vi phạm về mặt quản lý Nhà nước, minh bạch cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, người lao động trong và ngoài nước" - ông Bình thông tin.

Bà Nguyễn Thị Quyên - phó Cục trưởng Cục Việc làm đánh giá, nghị định 70 “mở” nhiều quy định trong đó có quy định chuyên gia làm vị trí trưởng phòng marketing, trưởng phòng kinh doanh được tạo điều kiện làm việc khi có bằng đại học và 3 năm kinh nghiệm không nhất thiết phải đúng chuyên ngành.

Bên cạnh đó, so với quy định cũ, chuyên gia nước ngoài đã có thể làm nhiều địa điểm. Ví dụ, một người làm ở công ty có trụ sở TP.HCM, có thể làm nhiều địa điểm trong thành phố này miễn là khai báo với cơ quan quản lý tại địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn