MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ở Đắk Lắk được hướng dẫn kỹ năng cần thiết để chuẩn bị sang thị trường Algeria (châu Phi). Ảnh: Bảo Trung

Mở rộng thêm cơ hội việc làm cho người lao động ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG LDO | 12/08/2024 10:00

Bên cạnh một số thị trường truyền thống, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã và đang tiếp tục mở rộng thêm cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương sang làm việc có thời hạn ở một số quốc gia với mức lương ổn định...

Nhiều cơ hội việc làm

Đầu tháng 8.2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã phối hợp với một doanh nghiệp đóng chân tại địa bàn Hà Nội tổ chức phỏng vấn, kiểm tra tay nghề lao động đi làm việc có thời hạn tại thị trường Algeria. Đợt này tỉnh Đắk Lắk có 9 lao động có nhu cầu sang thị trường Algeria làm ngành nghề xây dựng có thời hạn.

Theo kế hoạch, người lao động phải ra công ty tại Hà Nội để phỏng vấn, kiểm tra tay nghề. Tuy nhiên, việc đi lại từ Đắk Lắk ra Hà Nội sẽ tốn kém kinh phí của người lao động.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, giảm chi phí đi lại, công ty trên đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk trực tiếp phỏng vấn, kiểm tra tay nghề ngay tại địa phương.

Qua phỏng vấn, kiểm tra tay nghề có 9 lao động đạt yêu cầu. Trong đó, có 6 lao động của huyện Ea Súp, 2 lao động huyện Cư Kuin và 1 lao động ở TPHCM.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Trước đây, người lao động tại địa bàn thường đi sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... để làm việc. Đến nay, người dân đã có thêm thị trường mới để lựa chọn xuất khẩu lao động, mức lương khá ổn định.

Để người lao động của tỉnh có nhu cầu sang Algeria làm việc tự tin tham gia buổi phỏng vấn, kiểm tra đánh giá tay nghề, đơn vị đã hỗ trợ, trang bị cho họ một số kỹ năng cần thiết để vượt qua kỳ kiểm tra”.

Là một trong những người đi xuất khẩu lao động đợt này, anh Cù Viết Hùng (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã chuẩn bị kỹ lưỡng để lên đường sang Algeria. Anh Hùng lên đường với tâm thế muốn tích lũy, dành dụm một khoản tiền đáng kể để lo cho gia đình.

“Tôi đã tìm hiểu rất kỹ về thủ tục giấy tờ và tình hình nước bạn. Dù vất vả, khó nhọc nhưng tôi nghĩ mình sẽ có một mức lương tốt, đủ trang trải chi phí sinh hoạt, số còn lại sẽ gửi về tất cả cho gia đình, lo cho con ăn học” - anh Hùng nói.

Cảnh giác với tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đưa gần 1.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 58,9% kế hoạch năm.

Giai đoạn 2024 - 2026, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của tỉnh, đặc biệt là lực lượng thanh niên, bộ đội xuất ngũ, sinh viên, học viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Người lao động sẽ có việc làm ổn định, tiến tới việc làm bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk) - cho hay, với tâm lý mong được tuyển dụng đi xuất khẩu lao động với giá rẻ, nhiều người lao động đã chuyển tiền mong được ưu đãi để các đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tiền.

Khi người lao động chuyển tiền, các đối tượng cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người lao động tiếp tục đóng các khoản phí khác. Sau khi nhận đủ tiền các đối tượng sẽ tìm cách chặn tài khoản, số điện thoại người lao động.

Tại địa bàn tỉnh, trước đây đã có một số doanh nghiệp lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin của bà con vùng sâu, vùng xa đã đến tư vấn giới thiệu xuất khẩu lao động với giá rất rẻ. Nhiều người đã bị mắc lừa, chuyển tiền cho các đối tượng môi giới để rồi tiền mất tật mang.

“Khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài người Lao động cần liên hệ với Sở LĐTBXH, Phòng LĐTBXH cấp huyện, hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh để được hướng dẫn” - bà Lý nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn