MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mở rộng thị trường, tạo việc làm cho người lao động vùng lõi nghèo

Bảo Nguyên LDO | 28/10/2023 09:29

Các thống kê cho thấy, 10 xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai thu nhập bình quân chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm.

Trong số 10 xã thuộc vùng "lõi" nghèo, huyện Mường Khương chiếm tới 5 xã gồm: Dìn Chin, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, La Pan Tẩn và Lùng Khấu Nhin.

Hạ tầng giao thông ở đây thuộc diện thiếu và kém nhất tỉnh Lào Cai, do địa hình núi cao, khe sâu của vùng thượng nguồn sông Chảy.

Trong khi đó, các xã Hoàng Thu Phố, Lùng Cái (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chảy (huyện Văn Bàn) đều có địa hình đồi núi, chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Những địa phương này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong khi đó, công tác quy hoạch sản xuất còn hạn chế, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm.

Do thiếu việc làm, Giàng Seo Pao (sinh năm 1990, dân tộc Mông, thôn Hoàng Phì Chày, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương) sang Trung Quốc làm thuê.

Dịch COVID-19 bùng phát, Pao trở về quê làm ruộng, chạy ăn từng bữa. Biết tin Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai vào xã giới thiệu việc làm và tuyển nhân công, Pao cùng 5 thanh niên khác trong xã đăng ký tham gia, được giới thiệu làm việc ở Hải Dương với thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.

Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Lào Cai tham gia tổ chức “Ngày hội tư vấn việc làm” năm 2023 cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: LĐLĐ Lào Cai

Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai cho biết, tổ chức phiên giao dịch việc làm tại địa phương đang là nỗ lực lớn giúp đồng bào vùng cao có công ăn, việc làm ổn định.

Từ năm 2022 đến tháng 10.2023, Trung tâm đã phối hợp đưa hơn 100 lao động ở 10 xã nghèo đi làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương…

“Về phía trung tâm sẽ thông tin, cập nhập các đơn hàng, thông tin tuyển dụng lao động với đầy đủ chế độ, quyền lợi để UBND các xã căn cứ tuyên truyền tới người dân. Tránh tình trạng bà con thất nghiệp hoặc tự tìm việc làm qua mạng xã hội, bạn bè lôi kéo dẫn đến nhiều hệ luỵ”, ông Trương Hồng Trường chia sẻ.

Cùng với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, huyện Mường Khương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu là nghề trồng, chế biến chè, quýt và các nghề phi nông nghiệp.

Đặc biệt, các sở ngành và một số doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đã tích cực giúp đỡ các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản tại đây.

Ngoài ra, tổ công tác đã giúp xóa 5 nhà tạm, cung cấp con giống hỗ trợ phát triển chăn nuôi… cho người dân địa phương.

Các công ty liên kết với người dân xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) chăm sóc và phát triển cây chè Shan tuyết đặc hữu để xuất khẩu. Ảnh: Quốc Hồng

Ông Má A Chúng, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cho biết - nhờ có dự án phát triển cây ăn quả ôn đới, mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản, chăn nuôi lợn đen bản địa mà nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo.

Trên địa bàn xã hiện có hơn 70ha lê; trong đó, hơn 6 ha đang cho thu hoạch, tạo nguồn thu hơn 4 tỷ đồng/năm; thu từ chăn nuôi lợn đen bản địa và ngựa đạt hơn 3 tỷ đồng/năm.

Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 8% trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo tại 10 xã “lõi nghèo”; nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2025 gấp 2 lần so với năm 2020, tỉnh Lào Cai đang tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, lãnh đạo được phân công thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, địa phương chủ động, tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã; đặc biệt quan tâm hướng dẫn cấp xã tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; trong đó, có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đạt hiệu quả thiết thực, có tác động lâu dài đến hiệu quả công tác giảm nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn