MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Công ty CP Dệt may 29/3 ở Đà Nẵng. Ảnh: Tường Minh

Mỗi năm Đà Nẵng giải quyết việc làm cho khoảng 32.000 lượt lao động

Tường Minh LDO | 16/10/2023 08:29

Báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng tại Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 cho biết mỗi năm, thành phố Đà Nẵng giải quyết việc làm cho khoảng 32.000 lượt lao động.

Giảm 10.000 công nhân viên chức lao động

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng trình bày tại Đại hội, hiện nay, Công đoàn thành phố đang quản lý 130.000 công nhân viên chức lao động.

Trong đó công chức, viên chức trong khu vực Nhà nước hơn 35.000 người, lao động ở khu vực ngoài Nhà nước gần 95.000 người. So với đầu nhiệm kỳ, tổng số công nhân viên chức lao động giảm khoảng 10.000 người.

Công đoàn Đà Nẵng hiện quản lý hơn 130.000 công nhân viên chức lao động. Ảnh: Tường Minh

Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỉ lệ trong các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Giảm tỉ lệ trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và khu vực kinh tế nhà nước, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - xây dựng của thành phố.

Lực lượng lao động có tuổi đời trẻ (dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ 85%), chất lượng được nâng lên về nhiều mặt, đại đa số có trình độ trung học phổ thông trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 48,4%.

Đa số cán bộ công nhân viên chức có phẩm chất, đạo đức tốt, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, có tinh thần yêu nước, có ý thức vươn lên, tích cực học tập nâng cao trình độ, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, đội ngũ công nhân viên chức lao động thành phố vẫn còn một số hạn chế. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kiến thức thực tiễn, ngại va chạm nên còn cứng nhắc trong thực thi nhiệm vụ, gây phiền nhiễu cho công dân, cho doanh nghiệp.

Đặc biệt sau hai năm chống dịch COVID-19, có hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực kéo dài. Trong các nhà máy sản xuất, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật bậc cao tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của doanh nghiệp...

Hơn 11.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

Cũng theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã có hơn 11.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, làm cho hàng chục ngàn lao động bị thiếu việc làm.

Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp quyết liệt để phục hồi sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm và hoạt động kết nối cung cầu lao động, mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 32.000 lượt lao động, tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 khoảng 2,42%.

Hơn 11.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, làm cho hàng chục ngàn lao động bị thiếu việc làm. Ảnh: Minh Khuê

Trên cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm của Chính phủ, đa số doanh nghiệp đều điều chỉnh lương và tăng phúc lợi cho người lao động. Thu nhập bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/tháng (cuối năm 2022). Tuy nhiên thu nhập mới chỉ đáp ứng khoảng 80% mức sống tối thiểu, người lao động phải làm thêm giờ để tăng thu nhập.

Trong nhiệm kỳ qua, các doanh nghiệp chấp hành pháp luật lao động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tốt hơn, kiến thức pháp luật của người lao động được nâng lên.

Nhờ đó, những vướng mắc trong quan hệ lao động, nhu cầu, nguyện vọng của người lao động được trao đổi, chia sẻ kịp thời, lợi ích của doanh nghiệp và của người lao động được hài hòa, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, tình trạng người lao động ngừng việc tập thể giảm, khi phát sinh vụ việc đều được giải quyết nhanh. Nhưng vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chưa xây dựng thang bảng lương, định mức lao động.

Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không xây dựng các quy trình an toàn, nhưng việc xử lý chưa nghiêm minh, kịp thời.

Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn phức tạp. Tính đến ngày 31.12.2022, có 5.202 đơn vị chậm đóng, với số tiền chậm đóng 154.460 triệu đồng (chưa bao gồm lãi chậm đóng 74.016 triệu đồng), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của 45.332 người lao động, phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn