MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khung cảnh đìu hiu, đổ nát ở Nhà máy Đường Bình Định. Ảnh: X.N

Mỗi năm đề nghị xử lý hình sự ít nhất 2 vụ vi phạm pháp luật BHXH

XUÂN NHÀN LDO | 23/05/2019 12:00

“Chỉ tiêu” mỗi năm đề nghị xử lý hình sự ít nhất 2 vụ vi phạm pháp luật BHXH được Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Bình Định Võ Năm xác nhận với PV Báo Lao Động hôm 22.5 khi đề cập thực trạng “còn nhiều doanh nghiệp (DN) có số nợ lớn, kéo dài”.

Hạn chót tháng 11

Cuối tháng 4.2019, toàn tỉnh Bình Định có 107.156 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5.258 người, tương ứng 5,2% so với cùng kỳ 2018. Loại hình BHXH tự nguyện có 3.739 người, tăng 2.224 người, bằng 146,8%. Đối tượng tham gia BHYT tăng mạnh (40.333 người), lên hơn 1,4 triệu người, đẩy tỉ lệ BHYT lên 89,5% dân số, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, nợ BHXH kéo dài và cách thức xử lý vẫn còn là câu chuyện chưa có hồi kết thúc. Đến cuối tháng 4, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh Bình Định là 202,8 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH: 112,7 tỉ, nợ BHTN 5,3 tỉ, nợ BHYT 84,8 tỉ. Dù giảm 39,1% (130,2 tỉ đồng) so với cùng kỳ, song vẫn tăng 7,7% (14,5 tỉ) so với cuối năm 2018.

Ông Võ Năm phân tích nguyên nhân: “Ngoài một số DN khó khăn phải dừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, có những chủ sử dụng lao động cố tình né tránh nghĩa vụ nghĩa vụ hoặc miễn cưỡng đối phó. Trong khi đó, khâu khởi kiện ra tòa còn vướng mắc về trình tự pháp lý; cơ quan chức năng chưa đủ triệt để, cứng rắn trong xử lý sai phạm”.

BHXH Bình Định đã nêu đích danh, có trường hợp thời gian nợ lên đến… 105 tháng (6 tỉ đồng) như Cty CP 504. Nhiều nhất là Cty CP Đường Bình Định (BISUCO): 7 tỉ đồng - 19 tháng. Ngoài ra, còn có Cty CP May Tây Sơn 3,8 tỉ đồng - 5 tháng; Cty CP Sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng 863 triệu đồng - 74 tháng; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh 838 triệu - 45 tháng… Ông Năm biểu thị quyết tâm: “Chúng tôi đang thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị trốn đóng, nợ đọng để hoàn tất hồ sơ, chuyển hồ cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Thời gian dự kiến đến tháng 11.2019”.

Điểm nóng BISUCO

Trong số các địa chỉ vi phạm, Cty CP Đường Bình Định đang là một điểm nóng bức bối. BISUCO dừng hoạt động từ 2018 đến nay, đẩy 276 lao động địa phương vào tình cảnh bế tắc khi các ông chủ Ấn Độ bỏ đi khỏi địa bàn. Nỗ lực phối hợp đa ngành không mang lại nhiều kết quả do người sử dụng lao động từ lâu đã cao chạy xa bay. BISUCO hiện là đối tượng thi hành án theo bản án dân sự của Toà án nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An (nơi doanh nhân Ấn Độ còn có cơ sở sản xuất mía đường khác). Theo Chi cục Thi hành án huyện Tây Sơn, đơn vị được ủy thác tiến hành “đóng băng” việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp của BISUCO. Chỉ riêng với Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (VN), DN này đang nợ tới 131 tỉ đồng, chưa kể nợ thuế gần 25 tỉ đồng. Các con số được cho là cao hơn giá trị tài sản hiện có của BISUCO rất nhiều.

Ông Trần Văn Đồng - Chủ tịch CĐCS Cty CP Đường Bình Định - cho hay, “nợ khó đòi” của người lao động hiện hơn 19 tỉ đồng, “gồm cả tiền lương, chế độ chính sách khác chứ không riêng bảo hiểm”.

Trước tình cảnh này, LĐLĐ Bình Định đã hướng dẫn người lao động và CĐCS BISUCO bắt tay khởi kiện, yêu cầu tòa án địa phương mở thủ tục phá sản nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đơn kiện đã được Tòa án Nhân dân huyện Tây Sơn tiếp nhận, thụ lý bước đầu. Chưa biết con đường “đáo tụng đình” của gần 300 công nhân lao động BISUCO còn gập ghềnh, trắc trở bao lâu!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn