MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Thức - nũ công nhân của một công ty may tại Việt Trì (Phú Thọ) chuẩn bị bữa trưa cho các con. Ảnh: NVCC

Mỗi ngày một thắt chặt chi tiêu

Quế Chi LDO | 17/03/2022 08:25
Mắc COVID-19, phải nghỉ làm khiến thu nhập giảm, trong khi thời gian gần đây, giá nhiều loại mặt hàng thiết yếu, thực phẩm có chiều hướng tăng khiến cuộc sống của nhiều gia đình công nhân lao động vốn khó khăn càng khó khăn hơn.

Bữa ăn 20.000 đồng của ba mẹ con công nhân   

Chị Nguyễn Thị Thức làm việc tại một công ty may mặc thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Sáng 16.3, khi phóng viên liên hệ, nữ công nhân này đang đi chụp, kiểm tra phổi. “Tôi mới bị COVID-19, thấy khó chịu ở phổi nên đi chụp xem thế nào. Theo lịch ngày mai tôi đi làm trở lại nhưng người vẫn rất mệt mỏi, khó thở, không biết có đến công ty được không. Nếu xin nghỉ thêm chắc cũng được chấp thuận nhưng giờ kinh tế gia đình khó khăn, tôi không thể nghĩ mãi. Nghỉ thì lấy thu nhập ở đâu...” - chị Thức lo lắng.   

Cách đây khoảng nửa năm, chị Thức phát hiện bị ung thư tuyến giáp, sức khoẻ suy giảm. Tháng 12.2021, chị Thức phải nghỉ làm hoàn toàn để đi chữa bệnh. Đến tháng 1.2022, chị mới đi làm trở lại. Chồng chị cũng phải xin nghỉ làm một thời gian để chăm sóc chị và các con. Thu nhập của hai vợ chồng công nhân này rất khiêm tốn, nên anh chị phải chắt bóp, tằn tiện mới đủ trang trải sinh hoạt cho cả gia đình. Khi chị Thức bị bệnh ung thư, cuộc sống gia đình càng chật vật hơn.  

Trong tháng 2, thu nhập của chị Thức được hơn 5 triệu đồng/tháng; chồng chị cũng có thu nhập tương tự. Đến tháng 3, chị phải nghỉ làm để tự cách ly, điều trị COVID-19, chưa đi làm ngày nào. 

Trước đây, chồng chị làm lái xe taxi, nhưng do dịch ít khách nên xin vào nhà máy để làm công ăn lương, dù ít nhưng ổn định. Chồng chị cũng vừa khỏi bệnh COVID-19, sau khi phải nghỉ một tuần để tự điều trị. Rất may, hai cháu bé không bị lây bố mẹ.  

Bị COVID-19, trong tháng 3, thu nhập của vợ chồng chị Thức chẳng được bao nhiêu do chỉ hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong những ngày nghỉ (nhưng sau khi đi làm chị mới làm thủ tục). Chính vì vậy, chị Thức phải tính toán, tiết kiệm chi li hơn. Chị Thức tính toán, bình gas giá đã tăng từ 370.000 đồng lên hơn 400.000 đồng/bình. Nhà hết gas, chưa có tiền nên chị phải khất nợ cửa hàng gas.

“Ngoài ra, giá thực phẩm và các mặt hàng khác cũng tăng, đắt đỏ hơn, vì vậy, gia đình tôi lại càng phải chi li hơn trong sinh hoạt” - chị Thức cho hay. Lâu rồi chị Thức không mua sắm gì cho bản thân, mọi chi tiêu sinh hoạt hằng ngày của vợ chồng được tiết giảm, dành dụm cho các cháu ăn học. Bữa trưa ngày 16.3 của ba mẹ con chị Thức (chồng chị đi làm cả ngày) đơn giản. 

“Tổng chi phí bữa ăn này chỉ vào khoảng 20.000 đồng” - chị Thức bảo.  

Phải tính toán chi li hơn  

Giống gia đình chị Thức, vợ chồng anh T (thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng bị mắc COVID-19, vừa mới khỏi bệnh. Anh T cho hay, từ tháng 8.2021, anh gửi con về quê, hai vợ chồng bám trụ tại KCN Thăng Long để kiếm sống. Anh T làm nhân viên kỹ thuật một công ty, vợ làm công nhân.  

Anh T bị mắc COVID-19 từ cuối tháng 2, phải nghỉ làm 12 ngày. Vợ anh cũng bị bệnh ngay sau đó nên hai vợ chồng phải nghỉ việc để tự điều trị. “Không có các con ở cùng nên vợ chồng tôi ăn uống rất đơn giản. Có khi chỉ cần 2 gói mì tôm là xong bữa” - anh T cho hay.  

Để “đối phó” với giá cả thực phẩm có chiều hướng tăng, anh T “trông chờ” vào viện trợ từ quê. Đợt Tết vừa rồi, anh mang rất nhiều thực phẩm ở quê lên, chất đầy trong tủ lạnh để dùng dần. Thời gian này, vợ chồng anh chỉ mua thêm rau, không phải mua thịt, cá nên đỡ rất nhiều chi phí.

“Nhưng về lâu dài, chắc chắn việc tăng giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống những gia đình công nhân thuê trọ như chúng tôi, khiến chúng tôi phải tính toán chi li, tiết kiệm hơn” - anh T nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn