MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Món quà hạnh phúc cho người lao động trong Ngày Gia đình Việt Nam

Lâm Điền LDO | 28/06/2024 20:16

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Xây dựng gia đình công nhân viên chức lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho hơn 100 đoàn viên, người lao động.

Hành động kịp thời

Phát biểu khai mạc buổi nói chuyện, ông Nguyễn Nhật Tiến - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang - chia sẻ: Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề hạnh phúc gia đình đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là với đoàn viên, người lao động. Trong khi đó, do đặc thù của công việc, nhiều đoàn viên, người lao động phải thường xuyên đi công tác xa, ít có thời gian dành cho gia đình.

Đại biểu tham dự buổi nói chuyện chuyên đề kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Ảnh: Lâm Điền

Việc tiếp xúc nhiều với môi trường văn hóa đa dạng, phức tạp, cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những mâu thuẫn, rạn nứt trong gia đình. Mặt khác, cường độ làm việc cao cũng dễ làm cho nhiều đoàn viên, người lao động bị căng thẳng đầu óc, dễ rơi vào trạng thái stress… nên càng ít có thời gian cũng như cơ hội để vun đắp hạnh phúc gia đình.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Nhật Tiến. Ảnh: Lâm Điền

“Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là nơi nuôi dưỡng, vun đắp những giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vì thế, việc xây dựng gia đình hạnh phúc là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mỗi cá nhân và là nguồn sức mạnh to lớn cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Do đó, việc xây dựng gia đình người lao động hạnh phúc, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Nhận diện được thực trạng này, LĐLĐ tỉnh An Giang đã mời Thạc sĩ Trần Thị Huyền - Giảng viên Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) - trình bày chủ đề: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”.

Chìa khóa hạnh phúc

Với kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn tâm lý cho sinh viên trường đại học trong nhiều năm, Thạc sĩ Huyền đã dễ dàng thu hút người nghe khi khéo léo đan xen giữa thông tin khoa học và kinh nghiệm thực tiễn.

Theo Thạc sĩ Huyền, nguyên nhân khiến cho hạnh phúc gia đình bị rạn nứt, tổn thương phần lớn xuất phát từ những cơn thịnh nộ của chồng hoặc vợ. Đây được xem như “đỉnh cao” tiêu cực của 10 cảm xúc mang tính bản năng tồn tại bên trong mỗi con người, như: giận dữ, căng thẳng, ganh đua, so sánh…

Theo quy luật thời gian, một khi một trong số 10 cảm xúc tiêu cực này được tích lũy đến mức độ nhất định, tùy vào trạng thái tâm, sinh lý của từng người, mà bùng phát thành phẫn nộ.

Thạc sĩ Trần Thị Huyền trình bày chủ đề: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”. Ảnh: Lâm Điền

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Huyền, tận trong lòng mỗi người còn tồn tại 14 cảm xúc mang tính tích cực khác, như: Đồng cảm, thương xót, gắn bó, đoàn kết, cảm mến, yêu thương, vui vẻ, xấu hổ… và đây chính là liều thuốc hạ nhiệt cơn thịnh nộ .

Thạc sĩ Huyền đưa ra thí dụ, thay vì kỳ vọng rằng đối tượng sẽ thay đổi theo ý muốn của mình, chúng ta chuyển hóa sang hiểu và biết chấp nhận đó là hạn chế cố hữu, mang tính quy luật…, khi đó ta dễ đồng cảm, chấp nhận, hoặc không còn kỳ vọng đối phương.

Với việc khéo léo đan xen thông tin khoa học và kinh nghiệm thực tiễn, Thạc sĩ Huyền đã dễ dàng thu hút sự chú ý của đoàn viên, người lao động. Ảnh: Lâm Điền

Dịp này, Thạc sĩ Huyền cũng trao đổi nhiều thông tin thiết thực về kỹ năng kiểm soát cảm xúc của bậc cha mẹ đối với con cái. Theo đó, khi cha mẹ ít quan tâm đến cảm nhận hay nhu cầu của con cái là nguyên nhân dẫn đến gia đình xung đột. Vì vậy, để tạo dựng gia đình hạnh phúc, bậc cha mẹ phải rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc.

Bên cạnh việc tăng cường kỹ năng lắng nghe, cần đặc biệt chú ý đến nguyên tắc: Không đưa ra quyết định khi tâm trạng căng thẳng, đang stress và sau đó tìm cách chuyển hướng hoạt động. Bởi khi thay đổi môi trường, đối tượng, hoạt động sẽ khiến cho tâm trạng thay đổi theo hướng tích cực hơn…

“Với việc cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về kỹ năng kiểm soát cảm xúc và cách quản trị cảm xúc, buổi nói chuyện không chỉ trao cho đoàn viên người lao động chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa vào ngôi nhà hạnh phúc, mà còn gián tiếp góp phần nâng cao hiệu suất lao động, sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp, đơn vị”, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Nhật Tiến đánh giá về buổi nói chuyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn