MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiếp cận nhà ở giá thấp là nhu cầu bức thiết của công nhân lao động ngoại tỉnh ở Đà Nẵng. Ảnh: Tường Minh

Mong các quyết sách sớm thành hiện thực

Tường Minh LDO | 04/12/2023 06:40

Người lao động và cán bộ Công đoàn các cấp thành phố Đà Nẵng đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 vừa diễn ra.

Các lời hứa phải sớm thành hiện thực

Chị Nguyễn Thị Thu là công nhân của một doanh nghiệp may đóng tại KCN Hòa Khánh của thành phố Đà Nẵng. Chị Thu rất quan tâm và ý thức được Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 vừa diễn ra, cũng như Đại hội Công đoàn thành phố Đà Nẵng lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 trước đó là một sự kiện chính trị lớn, có tác động mạnh mẽ đến đời sống của công nhân lao động như chị.

"Tuy nhiên, điều mà người lao động chúng tôi quan tâm, mong mỏi là làm sao các lời hứa, quyết sách của lãnh đạo Công đoàn cũng như Đảng, chính quyền đối với chúng tôi, dù nhỏ hay lớn cũng phải sớm trở thành hiện thực.

“Ví dụ như tại Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, ông Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho biết, đã giao UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét giải quyết cho đội ngũ công nhân, người lao động thành phố vay số tiền 50 tỉ đồng. Chúng tôi mong lãnh đạo LĐLĐ thành phố chủ động phối hợp với những cơ quan liên quan, đề xuất đối tượng được vay, nhất là người lao động khó khăn để tạo điều kiện cho người lao động ổn định cuộc sống” - chị Thu nói.

Ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và Các Khu công nghiệp Đà Nẵng - cho biết: Hiện nay, các khu công nghiệp cách xa nội thành nên công nhân, người lao động và con em của họ không có điều kiện đến các khu vui chơi, thể dục, thể thao. Đoàn viên, công nhân viên chức lao động thành phố Đà Nẵng đề nghị Tổng LĐLĐVN tiếp tục quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Nhà ở giá rẻ là nhu cầu bức thiết

Hiện nay, Công đoàn thành phố Đà Nẵng đang quản lý hơn 130.000 công nhân viên chức lao động, trong số này, có hơn 30% công nhân lao động là người ngoại tỉnh, đang thuê trọ.

Thực hiện Chương trình “Có nhà ở”, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tập trung các nguồn lực phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Theo đó, đã đầu tư tại khu công nghiệp Hòa Cầm một khu nhà ở công nhân 285 phòng; lân cận Khu công nghiệp Hòa Khánh có 2 dự án chung cư xã hội với hơn 3.500 căn hộ dành cho người lao động mua, thuê. Đồng thời, chuyển đổi công năng 728 phòng ký túc xá sinh viên sang nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đủ so với nhu cầu quá lớn cũng như thực tế rất khó khăn của người lao động Đà Nẵng. Hiện mức thu nhập bình quân của công nhân lao động ở Đà Nẵng khoảng 7,3 triệu đồng/người/tháng, chỉ đáp ứng khoảng 80% mức sống tối thiểu, người lao động phải làm thêm giờ để tăng thu nhập.

"Chúng tôi mong Tổng LĐLĐVN, lãnh đạo thành phố ban hành các chính sách để chúng tôi có cơ hội tiếp cận với nhà ở giá thấp ổn định cuộc sống" - chị Nguyễn Thị Hoài Sa, người lao động quê ở Quảng Trị, đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh nói.

Cùng ý tưởng với chị Sa, bà Lê Thị Hải Châu, Chủ tịch Công đoàn Cty CP Dệt may 29/3 nói: “Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công nhân vẫn là nhà ở, gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Tôi mong mỏi tới đây, tổ chức Công đoàn có thể đầu tư xây dựng các khu chung cư có chất lượng dành cho công nhân lao động thuê với mức giá ưu đãi; đầu tư xây dựng nhà trẻ - mẫu giáo, trường học ở những nơi tập trung nhiều công nhân lao động, không phân biệt người lao động ở trong khu công nghiệp hoặc ngoài khu công nghiệp” - bà Châu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn