MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Xuân Vinh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình.

Mong có chính sách hỗ trợ lao động nhập cư

Mai Dung - Lương Hà LDO | 22/11/2023 17:01

Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiều tâm tư, gửi gắm của đoàn viên, người lao động, cán bộ Công đoàn các cấp được phóng viên Báo Lao Động ghi nhận.

Ông Bùi Xuân Vinh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình:

Trước thềm diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tôi mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với từng cấp Công đoàn; có những giải pháp đột phá để thu hút, kết nạp đoàn viên và xây dựng, củng cố niềm tin của đoàn viên với tổ chức Công đoàn. Đồng thời, mong rằng Đại hội sẽ đưa vào nghị quyết cơ chế hỗ trợ đoàn viên mất việc làm, giãn việc, giảm thu nhập thành một cơ chế thường xuyên và ổn định.

Nhiệm kỳ 2013 - 2018, công tác bảo vệ đoàn viên, NLĐ được quan tâm, tập trung chỉ đạo, thông qua việc lấy ý kiến trong toàn hệ thống công đoàn; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn; quan điểm của tổ chức Công đoàn trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày càng được khẳng định để bảo vệ quyền lợi NLĐ về tiền lương, góp phần củng cố niềm tin của đoàn viên, NLĐ vào tổ chức Công đoàn. Theo đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể, dân chủ cơ sở, công tác đối thoại, thương lượng, khởi kiện của tổ chức Công đoàn có nhiều chuyển biến.

Đối với LĐLĐ tỉnh Thái Bình, công tác chăm lo cho đoàn viên được cụ thể hóa bằng việc chi hỗ trợ cho đoàn viên tuyến đầu phòng chống dịch; hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; đoàn viên bị giảm thu nhập do thu hẹp sản xuất, giảm thời gian làm việc do thiếu đơn hàng... Hàng năm, Chương trình Tết Sum vầy được triển khai nhiều nội dung chăm lo, NLĐ tạo dấu ấn đậm nét trong hoạt động công đoàn và sự gắn kết giữa đoàn viên với tổ chức Công đoàn...

Bà Đinh Thị Thúy Hà - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng:

Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng hiện quản lý gần 300 CĐCS với hơn 150.000 đoàn viên công đoàn. Đến năm 2023, thu nhập bình quân của lao động trực tiếp sản xuất là 7,5 triệu/người/tháng (tăng 2 triệu so với năm 2017). Mặc dù tiền lương, thu nhập của công nhân lao động có tăng, song đời sống của người lao động còn gặp khó khăn.

Đáng nói, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến một số doanh nghiệp bị thiếu việc làm, NLĐ phải nghỉ luân phiên. Riêng năm 2020, có 15 doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu, 32 doanh nghiệp thiếu đơn hàng, 126 doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc do giãn cách xã hội. Đến nay, dù dịch bệnh đã được kiểm soát, song, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của NLĐ, nhất là công nhân, lao động ngoại tỉnh. NLĐ lo lắng hơn vì không đủ chi tiêu cho gia đình do phải trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền học cho con và nhiều khoản chi khác. Mong muốn của người lao động là được hỗ trợ nhà ở, nơi gửi trẻ để họ yên tâm công tác.

Tuy nhiên, tại Hải Phòng, do hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp và NLĐ về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, nhà trẻ tại các khu công nghiệp đông lao động chưa được thực hiện.

Là đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, tôi mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐVN sẽ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân, lao động, nhất là lao động nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Qua đó, giúp NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp vượt khó, phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn