MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Thu Hường mong mỏi sớm có phòng tập Yoga, Gym... dành cho công nhân với giá ưu đãi. Ảnh: Ngọc Tú

Mong có một đời sống tinh thần tốt hơn

LƯƠNG HẠNH LDO | 16/08/2023 07:00

Tan làm, chị Hường chỉ biết cầm chiếc điện thoại thông minh lướt mạng xã hội. Một phòng tập Yoga hoặc một khu vui chơi giải trí với giá cả ưu đãi là mong mỏi bấy lâu của nữ công nhân 23 tuổi này.

Nhiều khi bí bách…

Tâm sự với PV Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Thu Hường (Thái Bình) - công nhân công ty Canon Việt Nam - cảm thấy may mắn vì được thuê nhà ở giá rẻ từ Dự án thí điểm nhà ở cho công nhân, lao động tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội

Căn phòng chừng 20m2, nằm trong Khu đơn nguyên dành riêng cho công nhân nữ gồm: 3 giường 2 tầng, 6 người ở. Ngoài phòng ở, tại đây còn bố trí phòng bếp, phòng sinh hoạt chung và khu vệ sinh riêng biệt cho lao động. Chị Hường tiết lộ, mỗi tháng chị chỉ phải trả 50.000 đồng cho toàn bộ chi phí sinh hoạt. Với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, chị có thể gửi về quê hỗ trợ gia đình.

Nhắc đến việc giải trí sau khi tan làm, nữ công nhân cho biết, các khu vui chơi, giải trí chưa nhiều. Các dịch vụ như chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp… gần như không có. Nếu có, đa phần là do người dân hoặc các hộ kinh doanh mở ra nhỏ lẻ và "không vừa túi tiền của công nhân".

“Tôi rất hy vọng khu công nghiệp có phòng tập Yoga, gym hoặc các khu vui chơi giải trí với giá cả ưu đãi dành cho công nhân. Cuộc sống chỉ quanh quẩn phòng trọ, nhà máy khiến tôi nhiều khi cảm thấy bí bách” - chị Hường tâm sự.

“Người dân có gì, công nhân có thứ đó”

Thông tin với Lao Động, bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh - cho biết, trong suốt những năm qua, huyện này đều tập trung cao độ để xây dựng, cơ sở, hạ tầng kỹ thuật liên quan đến y tế, giáo dục... Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, Đông Anh xác định, khi khu công nghiệp mọc lên, tạo công ăn việc làm cho người lao động, việc này sẽ góp phần không nhỏ đến phát triển đời sống, kinh tế, xã hội của huyện.

“Không có trường hợp nào các cháu đến tuổi vào mầm non, tiểu học mà chúng tôi lại từ chối, gây khó. Người dân huyện có gì công nhân đều có cái đó. Người lao động đến ngụ cư đều được hưởng những chính sách của Nhà nước và địa phương” - bà Tám khẳng định.

Liên quan đến vấn đề cần nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động, tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong thời gian qua, các cấp công đoàn đã đồng hành với chính quyền, doanh nghiệp có nhiều hoạt động chăm lo vật chất cho đoàn viên, người lao động.

Cùng với đó, các cấp công đoàn còn tổ chức các hoạt động chăm lo tinh thần cho người lao động như tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao ở các công đoàn cơ sở. Mới đây, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình Giờ thứ 9+, tới nay Tổng LĐLĐVN đã phối hợp tổ chức Giải bóng đá CNVCLĐ toàn quốc… Đây là những sân chơi bổ ích cho người lao động.

Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống, văn hoá tinh thần cho người lao động cũng cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ông Ngọ Duy Hiểu mong rằng, Quốc hội và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đề xuất để có nhiều hơn hình thức chăm lo cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn