MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân đón con tại trường mầm non tư thục Những Bông Hoa Nhỏ, P.Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai sau giờ làm. Ảnh: Hà Anh Chiến

Mong đẩy lùi dịch bệnh để ổn định việc làm, thu nhập

HÀ ANH CHIẾN LDO | 18/02/2022 12:26
Tại Đồng Nai, từ ngày 14.2, các trường mầm non tư thục dành riêng để nuôi dạy con công nhân lao động đã hoạt động trở lại sau thời gian dài khoảng 8 tháng phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, trong những ngày đầu trường trở lại hoạt động, tâm lý của các giáo viên dù còn nhiều lo lắng nhưng cũng đã rất hứng khởi vì được quay trở lại với công việc và dần có thu nhập ổn định sau những tháng ngày khó khăn.

Nghỉ dịch dài, phải đi làm thêm nuôi gia đình

Đợt dịch lần thứ tư vừa qua, để phòng chống dịch COVID-19, các trường mầm non đã phải tạm dừng hoạt động kéo dài. Trong khi các trường mầm non công lập không bị ảnh hưởng nhiều do vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ, thì các giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục lại sống chật vật, phải nghỉ không hưởng lương và chỉ nhận được các khoản trợ cấp nhỏ. Thậm chí, nhiều trường còn không xoay sở được nguồn để trả lương cũng như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đội ngũ giáo viên. 

Cô Nguyễn Thị Cẩm Vân (58 tuổi) trước đây là giáo viên mầm non một trường công lập trên địa bàn TP.Biên Hoà. Sau khi nghỉ hưu, cô Vân tiếp tục công việc nuôi dạy trẻ tại Trường Mầm non tư thục Những Bông Hoa Nhỏ (P.Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) hơn 3 năm nay.

Đây là trường mầm non do Công ty TNHH Pouchen Việt Nam xây dựng dành riêng cho con em công nhân của công ty. Cô Vân cho biết, khoảng thời gian nghỉ do dịch bệnh COVID-19 cuộc sống gia đình cô rất khó khăn. Ban đầu cô còn được nhà trường hỗ trợ 50% lương, nhưng sau đó do thời gian nghỉ dịch quá dài, trường cũng không thể “gồng gánh” nổi nên mức hỗ trợ cứ giảm dần. 

Do đó, để tiếp tục bám trụ với công việc nuôi dạy trẻ, chờ hết dịch để được đi làm trở lại, cô Vân phải đi làm thêm nhiều công việc khác để có thêm thu nhập, như ở nhà gia công may mặc, dạy học online…

“Dù thu nhập bị giảm mạnh nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vì được nhà trường đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ” - cô Vân chia sẻ.

Nhiều lo lắng trong những ngày đầu đến trường 

Tại Đồng Nai, từ ngày 14.2 các trường mầm non tư thục dành riêng để nuôi dạy con công nhân lao động đã hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng cửa. 

Cô Diệp Anh Thư, giáo viên chủ nhiệm lớp chồi 1 - Trường Mầm non tư thục Những Bông Hoa Nhỏ cho biết: “Quá trình nghỉ chống dịch kéo dài khoảng 8 tháng, do các bé ở nhà quá lâu nên khi đến trường trở lại có tâm lý sợ sệt, khiến các giáo viên cũng có tâm lý bối rối. Tuy nhiên, sau 3 ngày hoạt động trở lại trở lại, các em đã quen trường, quen cô, tâm lý đã rất vui vẻ, còn bản thân giáo viên cũng rất hứng khởi với công việc”.

Còn cô Nguyễn Thị Cẩm Vân cho hay, những ngày đầu làm việc trở lại tâm lý giáo viên cũng lo lắng vì lo sợ phụ huynh không yên tâm cho con đi học, sợ dịch bệnh còn lây lan. Tuy nhiên, nhờ nhà trường làm tốt công tác vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng dịch nên cả phụ huynh và giáo viên hiện nay đã cảm thấy bình thường, tâm lý vui vẻ. Trường Mầm non tư thục Những Bông Hoa Nhỏ hiện có 48 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Cô Lâm Mai Quế Chi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 14.2 trường nhận học sinh trở lại. Trước đó, trường đã tiến hành vệ sinh khử khuẩn tất cả các phòng học, đồ chơi, kệ tủ, mặt bằng đảm bảo phòng chống dịch. Lên phương án đón bé từ ngoài cổng trường, đo nhiệt độ khử khuẩn tay mới đưa các bé vào lớp.

Đồng thời, sắp xếp các đội hình hoạt động trong giờ chơi, giờ ăn, giờ ngủ đảm bảo giãn cách để các bé thoải mái khi ở lớp. Hiện, các giáo viên rất phấn khởi được trở lại môi trường làm việc ổn định, học sinh đến lớp vui vẻ. Nhà trường cũng đang cố gắng để đảm bảo và nâng cao thu nhập cho giáo viên, nhân viên của trường.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 346 trường mầm non, trong đó có trên 120 trường tư thục (chiếm tỉ lệ 35%). Ngoài ra, hiện còn tồn tại 1.300 nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục thường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, chủ yếu là con công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn