MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ở Đắk Lắk Mong mỏi gói vay ưu đãi để không sa lầy “tín dụng đen”. Ảnh: Bảo Trung

Mong mỏi gói vay ưu đãi để không sa lầy “tín dụng đen”

Bảo Trung - Thanh Thúy LDO | 18/07/2022 09:00
Người lao động tại miền Trung phấn khởi đón thông tin: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thông tin về việc đề xuất gói 20.000 tỉ đồng với lãi suất bằng 50% so với lãi suất thông thường để trực tiếp hỗ trợ công nhân lao động có nhu cầu vay tại khu công nghiệp.

“Vay nóng” phổ biến trong công nhân

Cụ thể, người lao động vay tiêu dùng có thời hạn 2 tháng đến tối đa 3 năm (tương ứng 70 triệu đồng) nhằm phục vụ tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày như đi chợ, đóng tiền học cho con… Nếu có nhu cầu lớn, các ngân hàng sẽ có các khoản vay có điều kiện khác.

Đối với nội dung này, chị Nguyễn Thị Quyên (công nhân lao động tại TP.Buôn Ma Thuột) nêu quan điểm: “Vừa qua, vì có việc gia đình nên tôi đã vay nóng bên ngoài 10 triệu đồng với lãi suất từ 3.000 đến 4.000 đồng/triệu/ngày, tức mỗi tháng phải trả 1,2 triệu đồng tiền lãi. Chật vật lắm tôi mới góp trả được cả gốc lẫn lãi nhưng phải mất tới hơn 2 tháng.

Tôi cũng đã từng vay công ty tài chính 10 triệu đồng nhưng cũng mất tới số tiền lãi từ 200.000 -300.000 đồng/tháng. Thực tế, người lao động chúng tôi cũng rất khó đủ điều kiện cần và đủ để vay tiền được từ các ngân hàng với lãi suất đã 0,8 đến 0,9%/tháng. Nếu như Nhà nước có gói vay 20.000 tỉ đồng dành cho người lao động chúng tôi với lãi suất ưu đãi thì chúng tôi sẽ có điều kiện sắm sửa các vật dụng cần thiết cho gia đình, lo cho con cái ăn học, cải thiện cuộc sống mà không phải bận tâm quá nhiều đến việc trả lãi”.

Từng là nạn nhân của “tín dụng đen” anh Huỳnh Văn Đ. (nhân viên công ty du lịch tại TP. Nha Trang không khỏi vui mừng khi nghe thông tin sẽ có 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi. Theo anh Đ., do dịch COVID-19 anh mất việc làm thời gian dài, trong khi vợ cũng không có việc làm ổn định lại đang nuôi 2 con ăn học đại học. Trong khi bí bách tình cờ đọc tờ giấy cho vay tiền dán trên cột đèn đỏ anh liền gọi mượn 10 triệu đồng với lãi suất 2.000 đồng/1 triệu/ngày. Thế rồi những ngày sau đó là những ngày sống trong sợ hãi của anh và cả gia đình. Vì không đủ đóng tiền gốc và lãi nên sau 4 tháng số tiền anh Đ. vay đã bị chủ nợ tính đội lên hơn 30 triệu đồng “Họ khủng bố điện thoại, mạng xã hội cả tôi và gia đình bạn bè khiến tôi khủng hoảng. Sau phải vay mượn người thân để trả cho yên. Vì thế có được nguồn vay tín dụng lãi suất thấp tạo điều kiện cho CNLĐ lúc khó khăn, cần đột xuất thì có lẽ nhiều người lao động sẽ không rơi vào cảnh khổ rồi còn nợ chồng thêm nợ như tôi” - anh Đ. chia sẻ.

Mong mỏi gói vay ưu đãi

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm là công nhân Công ty chế biến thủy sản đóng tại phường Vĩnh Trường, TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Tháng 6.2020, để chi trả tiền thuốc cho bố lâm bệnh nặng chị phải tìm đến “tín dụng đen” vay 15 triệu đồng với lãi suất 150 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 tháng. Quá trình trả lãi chị Tâm trả chậm so với thỏa thuận nên bị cộng dồn tiền lãi. Tính đến tháng 11.2021, chị Tâm đã trả tiền gốc và lãi 37,5 triệu đồng. Thế nhưng chủ nợ tính lên tiền lãi tất cả là 120 triệu đồng. Sau đó là những ngày chị Tâm và gia đình bị nhắn tin đe dọa, tạt chất bẩn 7 lần vào nhà…

“Tôi mong sớm gói cho công nhân vay lãi suất ưu đãi và có những điều kiện cho vay hợp lý để công nhân có thể tiếp cận được. Bởi thực tế công nhân thu nhập không cao, tích lũy có hạn, lại thêm 2 năm dịch bệnh vừa qua nên túng thiếu đột xuất, đường cùng sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng nợ chồng nợ với lãi cắt cổ như tôi. Đã thế lại còn phải luôn sống trong trạng thái bất an, sợ hãi. Vì vậy rất mong Nhà nước có được chính sách tín dụng hợp lý, tạo điều kiện cho công nhân có một khoản như điểm tựa phòng thân” - chị Tâm bày tỏ.

Theo ông Phan Quốc Thắng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên, nếu có nguồn vốn vay ưu đãi cho công nhân thì rất tốt. Bởi thực tế người lao động bấp bênh dễ rơi vào lưới tín dụng đen. Với nguồn vốn này người lao động có được khoản giải quyết khó khăn trước mắt, vay hỗ trợ mua nhà, phương tiện để đi làm,... Nếu có nguồn chủ động, điều kiện vay và lãi suất hợp với sức khỏe tài chính của công nhân thì sẽ giúp công nhân vươn lên, vượt khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn