MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Sen (thứ 2 từ phải qua trái) cùng nhiều công nhân tại Đồng Nai tham gia các chương trình tìm hiểu kiến thức pháp luật lao động do LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tổ chức. Ảnh tư liệu NVCC

Mong tăng lương để không bỏ phố về quê

Hà Anh Chiến LDO | 01/04/2022 12:37
Lương thấp, không đủ sống, trong khi giá cả tăng cao, vợ chồng nữ công nhân Nguyễn Hương Sen (Cty CP Taekwang Vina, Khu công nghiệp Biên Hoà 2, TP.Biên Hoà) đã phải dắt díu hai con nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi) từ Đồng Nai về quê Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá để tìm kiếm việc làm mới gần nhà.

Vào Đồng Nai từ năm 2004 vừa học vừa làm việc, chị Sen đã làm việc ở nhiều công ty tại Khu công nghiệp Biên Hoà 1, TP.Biên Hoà nhưng vẫn không tìm được công ty có thu nhập đủ để nuôi gia đình. Cách đây 2 năm, khi chị Sen vào làm tại Công ty Cổ phần Taekwang Vina với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng thì dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát. Lương thấp trong khi công việc bấp bênh, hiếm khi được tăng ca khiến cuộc sống gia đình càng khó khăn khi đối mặt với hàng loạt khoản chi hằng ngày, hằng tháng để nuôi hai con nhỏ. 

“Tôi làm hai năm nên mức lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, chồng tôi làm 4 năm lương 7 triệu đồng/tháng, tổng cộng hai vợ chồng thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các khoản chi tiêu hằng ngày, hằng tháng nhiều vô kể, như: Tiền phòng và điện nước từ 1,2 triệu đồng - 1,3 triệu đồng, gặp mùa nóng bức bật quạt nhiều thì cả tiền phòng và tiền điện nước đã 1,5 triệu đồng. Tiền gửi hai con ở nhà trẻ là 3 triệu đồng/tháng, tiền sữa 2 triệu đồng/tháng, tiền ăn uống dè sẻn cũng 3 triệu đồng/tháng... Đó là chưa kể các khoản xăng xe, điện thoại, đám cưới, hiếu hỉ... Thực lòng thu nhập không đủ sống, thậm chí còn phải vay mượn thêm” - chị Sen than thở.

Khó khăn là vậy, nhưng năm 2021 tỉnh Đồng Nai bước vào đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, gia đình chị Sen ở nhà trọ tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà bị giãn cách xã hội nhiều tháng liền, tạm thời phải nghỉ việc khiến gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Chị Sen chia sẻ, do không được đi làm, không có tiền tiết kiệm nên gặp phong toả, trong phòng trọ không còn gì để ăn, phải nhờ vả khắp nơi mới có được ít gạo, mì gói, rau cầm cự qua dịch.

Sau đợt dịch, chị Sen bảo chồng đưa hai con về quê trước, rồi thu xếp công việc sau đó ra Tết, chị Sen cũng đã về quê tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Chị Sen tâm sự: “Lương thấp trong khi mức chi tiêu ở TP.Biên Hoà lại cao, cả hai vợ chồng đều là công nhân nên không đủ nuôi 2 đứa con, đành về quê. Ở quê không có việc làm cũng có nhà để ở, cũng có cái để ăn qua ngày không sợ đói”.

Hiện nay, chị Sen đang tìm công việc tại một công ty gần nhà, nếu không tìm được thì chị sẽ tiếp tục tìm kiếm công việc tại Khu công nghiệp Lễ Môn - cách nhà hơn 10km. Tuy nhiên, chị Sen chia sẻ, nếu Nhà nước tăng mức lương công nhân ở Đồng Nai cao thì sẽ tìm cơ hội để vào lại Đồng Nai để làm việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều công nhân đều chia sẻ: Với mức lương thấp so với chi phí cuộc sống ngày càng đắt đỏ, giá cả tăng cao như hiện nay thì buộc lòng họ phải tăng ca nhiều. Đến khi nào mức lương cơ bản có thể đáp ứng được các chi tiêu sinh hoạt cơ bản trong cuộc sống thì người lao động sẽ đỡ vất vả hơn, sẽ bớt tăng ca hơn, đảm bảo được sức khoẻ và có nhiều thời gian chăm sóc gia đình.

Tỉnh Đồng Nai có 1,2 triệu lao động, trong đó gần 600.000 công nhân là lao động nhập cư, sống chủ yếu trong các khu nhà trọ, gặp nhiều khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn