MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân mong lương tối thiểu vùng tăng sớm để phù hợp với đà tăng của giá cả thị trường. Ảnh minh hoạ: Minh Hương.

Mong tăng lương tối thiểu vùng muộn nhất từ ngày 1.4.2024

Mạnh Cường LDO | 27/11/2023 20:09

Tại phiên đầu tiên vào tháng 8 bàn về tiền lương tối thiểu năm 2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất lùi phiên thương lượng tiếp theo tới tháng 11. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, chỉ còn hai thời điểm thích hợp để tăng lương tối thiểu vùng là ngày 1.4 hoặc 1.7 năm sau.

Phần lớn người lao động kỳ vọng và chờ đợi muộn nhất vào ngày 1.4.2024 sẽ được tăng lương tối thiểu vùng.

Chia sẻ với Lao Động, chị Nguyễn Quỳnh Dương (27 tuổi, Nam Định) - công nhân may cho biết, tháng 4 hằng năm có 2 ngày lễ lớn, do đó công nhân háo hức vì được nghỉ ngơi nhưng song song với đó là nỗi buồn lương thấp bởi lương ngày lễ tính theo lương cơ bản.

“Hai ngày lễ lớn 30.4 và 1.5 hàng năm, mức lương của chúng tôi được tính theo lương cơ bản, mức lương này khá thấp chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày. Còn nhớ năm ngoái, công ty ít việc, tôi nghỉ thêm 2 ngày không lương” - chị Dương chia sẻ.

Chị Dương cùng con gái. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, với những công nhân làm theo hình thức khoán như chị Dương, thời gian chính là tiền. Tháng làm 22 ngày đồng nghĩa năng suất hàng ra thấp, dẫn đến lương cả tháng cũng thấp theo.

Ngoài ra, chị Dương cho biết mùa cao điểm ít việc bắt đầu từ tháng 5 hàng năm. Có những tháng, nữ công nhân chỉ làm giờ hành chính 8 tiếng/ngày, không có tăng ca. Nếu đợi đến 1.7.2024 lương tối thiểu vùng mới tăng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của chị Dương.

Chị Lê Thị Hương (27 tuổi) - Trưởng phòng một công ty vận chuyển tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết lương tối thiểu vùng tăng càng sớm, người lao động càng an tâm.

Trao đổi với Lao Động, chị Hương cho hay, thu nhập hiện tại gồm lương cơ bản, phụ cấp và KPI công việc. Trong đó, lương cơ bản 5,9 triệu đồng, phụ cấp 3 triệu đồng, KPI công việc hàng tháng dao động từ 4 đến 8 triệu đồng.

Những lúc KPI công việc thấp, ở mức 4 triệu đồng, thu nhập của chị Hương chỉ được 13 triệu đồng. Với thu nhập này, chị Hương phải tính toán cẩn thận các chi tiêu ở thủ đô đắt đỏ và dự định cho tương lai. So sánh giá cả các mặt hàng năm 2023 với 2022, chị Hương thấy mỗi mặt hàng tăng ít nhất 5 - 10% thậm chí 20%.

“Tại sao nhiều mặt hàng tăng nhưng lương tối thiểu vùng đến nay vẫn chưa tăng? Từ đầu năm 2023, tôi đã phải chuyển sang ở ghép cùng bạn, tự nấu cơm trưa mang đi làm để tiết kiệm chi phí” - chị Hương chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Nhi (28 tuổi, Quảng Ninh) - nhân viên Seo Web chia sẻ, ngày trước, bản thân chị rất ít khi quan tâm đến lương cơ bản. Nhưng mỗi lần ốm đau, thưởng lễ, Tết hoặc dự định sinh thêm bé nữa, mức lương này được chị đặc biệt coi trọng.

“Hai vợ chồng tôi dự kiến sang năm sẽ sinh thêm một bé nữa. Nếu lương tối thiểu vùng tăng sớm từ ngày 1.4.2024, trợ cấp thai sản tôi nhận được sẽ tăng lên rất nhiều, an tâm sinh và nuôi con hơn” - chị Nhi cho biết.

Chị Nhi tính nhẩm nếu mức lương tối thiểu vùng tăng từ 4.160.000 (hiện tại) lên 4.500.000 đồng từ 1.4.2024 thì tháng 9.2024 sinh con, bản thân sẽ được hưởng trợ cấp thai sản gần 26 triệu đồng. Nếu 1.7.2024 mới tăng, trợ cấp thai sản khoảng 23 triệu đồng bởi chỉ có 1 tháng chị Nhi được hưởng mức lương mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn