MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình anh Vi Văn Đức, một trong những hộ khó khăn của xã Thanh Lâm đang chờ xuất khẩu lao động, dù thủ tục đã xong. Ảnh: Quách Du

Mong thị trường xuất khẩu lao động khởi sắc trở lại

Nhóm phóng viên LDO | 31/03/2022 10:52
Nhiều làng quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá khang trang, đời sống người dân no đủ nhờ xuất khẩu lao động. Sau những khó khăn do dịch COVID-19, người dân tin tưởng thị trường xuất khẩu sẽ khởi sắc trở lại.

Hy vọng thị trường XKLĐ ấm trở lại

Tại Nghệ An, cơ quan chức năng địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm là liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đi xuất khẩu lao động.

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An cho biết, mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 15-30 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình. Năm 2021, những người lao động Nghệ An ở nước ngoài gửi về địa phương lượng kiều hối khoảng 500 triệu USD.

Theo ông Trần Phi Hùng - Trưởng Phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An: “Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp như hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề, liên kết tìm thị trường, tạo điều kiện về thủ tục để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân đi xuất khẩu lao động trong thời điểm thị trường lao động trong nước khó khăn, thu nhập thấp”.

2 năm liên tiếp dịch bệnh khó khăn, người lao động hết sức vất vả với các nghề mưu sinh trong nước thu nhập thấp và bấp bênh. Do đó, nhiều người hy vọng con đường xuất khẩu lao động sẽ khởi sắc trở lại.

Tại Hà Tĩnh, dù dịch COVID-19 phức tạp nhưng số công dân Hà Tĩnh đi XKLĐ vẫn tới hàng nghìn người. Trên cơ sở đó, kỳ vọng từ nay dịch bệnh sắp được xem là bệnh đặc hữu, nhiều quốc gia nới lỏng biện pháp phòng chống thì hoạt động XKLĐ sẽ khởi sắc hơn.

Ông Đinh Văn Nam - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho hay, hiện nay huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp XKLĐ vào tư vấn, tuyển dụng lao động đi XKLĐ.

Về số liệu 3 tháng đầu năm 2022, huyện Nghi Xuân chỉ có gần 120 người đi XKLĐ, ông Nam cho hay, sở dĩ số liệu đi XKLĐ 3 tháng đầu năm thường thấp là vì quý I rơi vào nghỉ Tết Nguyên đán. Ăn Tết xong, nhiều người mới tính đi XKLĐ mà thời gian cả học tiếng và thi xong để đi được cũng mất khoảng từ 3 tháng đến 6 tháng. Do đó, số liệu đi được lớn chủ yếu rơi vào quý II và quý III.

LĐ chờ được xuất cảnh

Trao đổi với Lao Động, ông Hà Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết, trước đây khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, việc xuất khẩu lao động tại địa phương đã mang lại nhiều hiệu quả, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều nước dừng các đơn hàng xuất khẩu lao động, khiến nhiều trường hợp ở địa phương bị “kẹt lại”, chưa thể bay.

“Do một thời gian dài chờ đợi, nên nhiều người đã phải đi khắp các tỉnh để tìm kiếm công việc, trước là để mưu sinh, sau là để trả nợ tiền lãi ngân hàng mà đã vay trước đó để làm các thủ tục đi xuất khẩu lao động. Nhìn chung, các trường hợp này cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tài chính” - ông Thành cho hay.

Được biết, không chỉ ở xã Thanh Lâm mà nhiều xã khác của huyện miền núi Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa), cũng có chung tình trạng, nhiều người dân chưa thể đi xuất khẩu lao động, dù họ đã hoàn tất các thủ tục trước đó. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh COVID-19 và gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các gói vay vốn. 

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa) - cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến một số thị trường xuất khẩu lao động chưa mở cửa trở lại, nên dù một số lao động đã đi học tiếng, thi tốt nghiệp bằng nghề nhưng vẫn chưa thể bay được.

Ngoài ra, một số gia đình trước đây đã vay vốn cho người thân đi xuất khẩu lao động, nên đến nay, việc tiếp cận thêm nguồn vay đang gặp nhiều khó khăn hơn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn