MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mong Thủ tướng lắng nghe được nguyện vọng, tâm tư của công nhân

Minh Hương LDO | 11/06/2022 11:31

Thông qua Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động dự kiến diễn ra ngày 12.6 tại Bắc Giang, nhiều công nhân bày tỏ mong muốn, dịp này, Thủ tướng có thể lắng nghe trực tiếp được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động.

"Tuy không được góp mặt trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng nhưng tôi sẽ theo dõi trên các phương tiện báo chí. Tôi rất háo hức và trông chờ buổi đối thoại đầu tiên với công nhân lao động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kể từ khi nhậm chức" - chị Bùi Phương - công nhân Công ty TNHH Molex Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Bữa cơm công nhân thiếu rau xanh vì giá cả tăng cao.

Đồng thời, chị cũng bày tỏ mong người đứng đầu Chính phủ sẽ lắng nghe, thấu hiểu được nguyện vọng của công nhân lao động. Nữ công nhân cho hay, từ đầu năm nay, giá cả tăng chóng mặt, trong đó có giá xăng, giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác. Lương chỉ ở mức 6,2 triệu đồng/tháng (bao gồm phụ cấp), để đảm bảo được mức sống tối thiểu, công nhân phải tăng ca, làm thêm giờ.

"Trong khi tiền tăng ca giúp thu nhập tăng thêm được 1-2 triệu đồng cũng không thể nào bù lại được chi phí giá cả leo thang. Do vậy, tôi mong Thủ tướng có những chính sách phù hợp để bình ổn giá cả thị trường" - chị Phương nói.

Còn anh Phan Văn Tâm (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long) mong chính phủ có thêm chính sách mua nhà ở xã hội, đặc biệt hơn là công nhân mua được nhà ở xã hội giá gốc.

 Nhà ở xã hội là vấn đề công nhân trông chờ Thủ tướng có chính sách phù hợp.

12 năm xa quê làm công nhân, anh Tâm luôn mơ ước có căn nhà nhỏ cho cả gia đình. 2 vợ chồng anh Tâm cùng làm công nhân, tổng thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng nếu được tăng ca. Dè dặt chi tiêu, sau nhiều năm làm công nhân, anh cũng tích cóp được vài trăm triệu đồng. Nếu muốn mua đất cất nhà, anh phải có sẵn số tiền lớn, do vậy, mong ước lớn nhất của anh là sớm mua được nhà ở xã hội.

"Vấn đề này không còn mới nhưng tôi tha thiết nhà nước, chính phủ có thêm nhiều chính sách, dự án nhà ở cho công nhân. Và đặc biệt hơn, công nhân được tiếp cận nhà ở giá gốc mà không cần qua "cò"" - anh Tâm nói.

Chị Nguyễn Thị Hiền (quê Hà Nam, công nhân ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng rất trông chờ vào cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân vào ngày mai (12.6). Theo chị, bên cạnh vấn đề được nhiều người lao động quan tâm là nhà ở, vật giá, khu vui chơi, trường học cho trẻ thì hơn hết, công nhân bao giờ cũng mong muốn nhận được tiền lương tương xứng với công sức.

Làm công nhân được 8 năm nhưng hiện lương cơ bản của chị chỉ ở mức 4,8 triệu đồng/tháng; công nhân mới vào làm cũng có mức lương cơ bản tương đương.

Chị Hiền cho hay, nên có chính sách, chế độ phù hợp với công nhân có thâm niên. Theo đó, hằng năm sẽ có quyết định tăng lương cho công nhân có thâm niên và tay nghề, không nên "cào bằng hoặc tăng lương rất chậm; giữa công nhân mới và công nhân lâu năm cần có cơ chế khác nhau" - nữ công nhân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn