MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mong ước giản dị của người lao động xa quê những ngày đi làm đầu năm

Minh Hương LDO | 28/01/2023 10:20
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) hối hả quay trở lại với công việc. Bước sang năm 2023 dự báo với nhiều khó khăn, những lao động xa quê hy vọng có thật nhiều sức khoẻ, là trụ cột vững chắc của gia đình.

Khu nhà trọ cho công nhân thuê gần Khu công nghiệp Thăng Long không còn cảnh cửa đóng then cài, thay vào đó là tiếng nói cười, sinh hoạt của công nhân.

Số lượng công nhân quay trở lại làm việc chưa nhiều. Theo ghi nhận, nhiều công nhân vẫn ở quê, mùng 9 Tết mới đến nhà máy.

Tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1999, quê ở Phú Thọ) khệ nệ mang theo bánh chưng, trứng, thịt để bắt đầu những tháng ngày xa nhà.

Chị Nga là công nhân, theo lịch công ty, mùng 9 Tết (30.1) nhân viên sẽ rục rịch trở lại làm việc, nhưng bộ phận của chị thiếu đơn hàng nên đến ngày 2.2, chị Nga mới đến nhà máy.

Công nhân mang theo bánh chưng để quay trở lại sản xuất. Ảnh: Minh Hương

"Tôi chọn ra thành phố sớm để tìm phòng trọ, ổn định nơi ở thì mới yên tâm làm việc" - chị Nga nói. Cuối năm 2022, công ty ít đơn hàng nên cắt giảm nhân công, chị Nga may mắn được giữ lại. Tuy nhiên, nữ công nhân chỉ được nhận lương 6 triệu đồng trong vòng hơn 2 tháng, không biết đến làm thêm hay tăng ca.

Tết Nguyên đán 2023, chị Nga được thưởng 1 tháng lương cơ bản, tương đương 5,3 triệu đồng. Đây là khoản cứu cánh với chị, bởi không có nó, Tết này trong ví sẽ chẳng có dư.

Bước sang năm mới với sự háo hức, mong chờ điều tốt đẹp, chị Nga chỉ hi vọng công ty giữ được việc làm cho công nhân, không cắt giảm các khoản thưởng. Có như vậy, công nhân lao động xa quê mới yên tâm gắn bó sản xuất.

"Chẳng phải có sức khoẻ là có tất cả hay sao, thiếu việc thì tôi đi tìm việc. Đầu năm, tôi chỉ mong có sức khoẻ, là trụ cột vững chắc của gia đình"  - anh Trần Văn Tâm (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long) nói.

Có thâm niên 9 năm ở công ty, anh Tâm cho biết, 4 năm trở lại đây, trong ngày đi làm đầu năm, công ty sẽ lì xì cho công nhân 200.000 đồng. Số tiền này sẽ được chuyển khoản cùng với tiền lương của tháng 1.

Dãy trọ công nhân đã rục rịch trở lại ngày đầu năm. Ảnh: Minh Hương

Từ mùng 6 Tết, anh Tâm đã bắt đầu đi làm. Quê Nghệ An, gia đình nam công nhân đã lên xe ra Hà Nội từ mùng 4 Tết. Anh Tâm hiện sống cùng vợ và 2 con, cả gia đình thuê trọ ở gần khu công nghiệp.

Vợ anh cùng là công nhân song sức khoẻ không được tốt, "sinh xong 2 đứa, vợ tôi yếu đi hẳn. Cũng do sống ở môi trường bí bách, ẩm thấp nên ốm liên tục" - anh Tâm nói.

Ánh mắt anh Tâm chùng xuống, bởi lẽ người đàn ông chạc tuổi 40 này vẫn chưa thể có căn nhà mơ ước cho gia đình. Đầu năm, anh Tâm không giấu giếm mà trải lòng nhiều hơn, anh cho biết - hầu hết công nhân đến đây đều khó mua nhà.

Nếu tăng ca thì còn có đồng dư 2-3 triệu đồng/tháng, còn không chỉ đủ sống qua ngày, thậm chí còn âm tiền. Dẫu vậy, so với việc ra đồng cày cấy, anh Tâm nói đi làm công nhân vẫn tốt hơn.

Trước khi bắt đầu những ngày làm việc, người bố này dọn dẹp phòng trọ thật sạch sẽ, anh quan niệm, nơi ở gọn gàng thì đầu óc mới thoải mái làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn