MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc với Công ty than Mạo Khê. Ảnh: Mạnh Hùng- Công ty than Mạo Khê

Một cán bộ công đoàn phụ trách hơn 76 công đoàn cơ sở

Nguyễn Hùng LDO | 06/10/2022 21:45

Quảng Ninh - Đây là một thực trạng đáng lo ngại, mà theo đại diện LĐLD TP.Hạ Long, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của tổ chức, cán bộ công đoàn và cần phải nghiên cứu để có giải pháp khi sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012.

Neo người, cán bộ công đoàn làm đủ việc

Nhằm khảo sát đánh giá 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012, trong 2 ngày 5-6.10, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – làm trưởng đoàn đã các buổi làm việc với một số doanh nghiệp, công đoàn các cấp tại Quảng Ninh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng – Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ninh – hiện, LĐLĐ thành phố có 7 cán bộ, công chức trong khi toàn thành phố có 534 công đoàn cơ sở, với hơn 29.000 công đoàn viên.

Như vậy, nói vui như một số đại biểu, mỗi cán bộ công đoàn của LĐLĐ TP.Hạ Long phụ trách tới hơn 76 công đoàn cơ sở, với trung bình hơn 4.100 công đoàn viên/công đoàn cơ sở.

“Nhiều ngày nay, 2 cán bộ của LĐLĐ TP.Hạ Long luôn có mặt cùng các đoàn thể tham gia việc tuyên truyền, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để mở đường lên khu vực miền núi của Hạ Long. Mà những việc tương tự như thế này, cán bộ công đoàn thường xuyên tham gia” – ông Hưng chia sẻ.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh và các LĐLĐ cấp huyện, ngành chiều 6.10.2022. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cũng theo ông Hưng, ngay cả khi chỉ phải làm công việc liên quan đến công nhân, lao động thì đội ngũ nhân lực của LĐLĐ TP.Hạ Long cũng như luôn “bơi” trong công việc.

Chia sẻ với ông Hưng, đại diện công đoàn ngành, LĐLĐ các cấp huyện khác của tỉnh Quảng Ninh cho biết luôn ở trong tình trạng như vậy. Vì thế, không thể thường xuyên sát cánh với người lao động, trong khi cán bộ công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều kiêm nhiệm, mà đặc biệt là được chủ doanh nghiệp chi trả lương nên không có tiếng nói mạnh mẽ.

"Việc đưa cán bộ công đoàn chuyên trách về công đoàn cơ sở là không thể bởi không có kinh phí. Ngay cả đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách còn thiếu trầm trọng so với yêu cầu thực tế, một phần vì phải tinh giản biên chế thì nói gì tới việc này” –  đại diện một công đoàn ngành bày tỏ.

Theo ông Tô Duy Tòng – Chủ tịch LĐLĐ thị xã Quảng Yên – áp lực công việc đối với cán bộ công đoàn chắc chắn ngày một lớn, bởi lực lượng công nhân ngày một tăng khi Quảng Ninh đang thu hút đầu tư mạnh mẽ, trong khi việc tinh giản biên chế vẫn tiếp tục được siết chặt.

Báo cáo với Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, ông Tô Xuân Thao – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh – cho biết, đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách hiện rất neo người và tham gia đủ thứ việc.

“Cần phải có tính toán để giải phóng sức cho cán bộ công đoàn, để cán bộ công đoàn dành nhiều thời gian cho NLĐ, cho công đoàn viên, cho sản xuất, như thế mới phát huy vai trò của tổ chức, của cán bộ công đoàn” – ông Thao kiến nghị.

Cần giữ nguyên mức thu kinh phí công đoàn 2%

Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn đều kiến nghị tiếp tục giữ nguyên mức thu kinh phí công đoàn 2% như lâu nay.

Bởi, đây là mức không phải là cao trong khi việc chi cho tổ chức công đoàn, cho các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, công đoàn viên là rất lớn.

Ngày hội thể thao của công nhân lao động vùng Mỏ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Đăng Văn Chính – Trưởng Ban Tài chính, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh – thực tế, 75% số thu từ 2% đều được để lại cho cơ sở để phục vụ cho các hoạt động của công nhân, lao động.

“Rất nhiều hoạt động dành cho người lao động mà các cấp công đoàn tổ chức, phục vụ người lao động đều lấy kinh phí từ nguồn này, từ hiếu, hỉ, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lúc khó khăn, ốm đau… đến các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch… Đặc biệt, kể cả những người lao động chưa tham gia tổ chức công đoàn, nhưng tổ chức công đoàn vẫn luôn sát cánh, kề vai trong mọi hoàn cảnh” – ông Chính cho biết.

Tuy nhiên, các đại biểu kiến nghị cần có chế tài mạnh để xử lý các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn 2% theo quy định. Hiện, có không ít doanh nghiệp không nộp khoản kinh phí này bởi nhiều lý do, trong đó có thể do cố tình trây ỳ, hoặc thu rồi nhưng giữ lại.

Vì thế, các đại biểu kiến nghị, Luật Công đoàn sửa đổi phải có những chế tài đủ mạnh như một số luật khác, qua đó góp phần tăng vị thế của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn.

“Doanh nghiệp nợ thuế thì ngành thuế có thể xử lý được, thậm chí chuyển cơ quan công an, nhưng nợ bảo hiểm, nợ kinh phí công đoàn thì không thể xử được. Nếu doanh nghiệp có nợ thuế, bảo hiểm, công đoàn phí thì họ thường ưu tiên trả thuế và bảo hiểm trước, vì luật của 2 ngành này có chế tài mạnh hơn” – Chủ tịch LĐLĐ Hạ Long Nguyễn Ngọc Hưng – chia sẻ - “Ngoài luật, thì thuế và bảo hiểm cũng có lực lượng đông đảo hơn mỗi khi đi đòi nợ; còn như LĐLĐ Hạ Long, khi đi thuyết phục, đòi nợ cũng thường chỉ có một cán bộ”.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – sau gần 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, đã xuất hiện các yêu cầu mới đòi hỏi Luật Công đoàn năm 2012 cần được sửa đổi, bổ sung. Chính vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam muốn lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của các cấp công đoàn, của doanh nghiệp, góp phần phục vụ công tác điều chỉnh sửa đổi Luật Công đoàn trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn