MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiến trúc sư Trần Văn Khải (thứ 4 từ phải sang) -Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn thay mặt lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao quà cho công nhân. Ảnh MN ( Ảnh chụp thời điểm trước 27.4.2021)

Một cán bộ công đoàn trăn trở với nguyện vọng của người lao động

Mỹ Ngọc LDO | 19/05/2021 08:35

Nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống, nhà ở cho người lao động là một trong những nội dung có nhiều tranh luận tại nghị trường Quốc hội khóa XIV và được đông đảo cử tri quan tâm. Thảo luận xoay quanh Bộ Luật Lao động (sửa đổi), nhiều ĐBQH đã bày tỏ những trăn trở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động trong lĩnh vực việc làm, nhà ở. Và còn đó những mong ước, gửi gắm tin tưởng của cử tri là người lao động, công nhân vào các ĐBQH khóa XV sẽ tiếp tục đại diện cho tiếng nói của giai cấp công nhân quan tâm với vấn đề “an cư lạc nghiệp”.

Mong muốn kiến tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, công nhân

Một trong những ứng cử viên ĐBQH khóa XV được cử tri là công nhân, người lao động gửi gắm niềm tin yêu là Kiến trúc sư Trần Văn Khải -Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đơn vị bầu cử số 1 gồm Thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, huyện Bình Lục.

Sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, anh đã đạt được ước mơ của mình là Thạc sỹ chuyên ngành Quy hoạch Vùng và Đô thị năm 2017 và hoàn thành bảo vệ cấp bộ môn Luận án Tiến sỹ chuyên ngành Quản lý đất đai. Hơn 11 năm quản lý tại các doanh nghiệp, 8 năm công tác và tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, thầy giáo Khải đã bước sang một ngã rẽ mới, đó là mong muốn kiến tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, công nhân.

Anh đã có 4 năm làm việc tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên cương vị Bí thư Chi bộ - Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn. Tuy nhiên, những người công nhân vẫn yêu mến, thân thuộc gọi anh bằng cái tên giản dị "Kiến trúc sư Khải".

Trò chuyện với anh, chúng tôi nhắc lại kỷ niệm tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đã từng chất vấn thành viên Chính phủ liên quan tới vấn đề nhà ở rất cấp bách cho người có công nhân và các hộ nghèo.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà từng cho biết, nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, người nghèo đô thị luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chúng ta đã thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó 1,8 triệu m2 cho người nghèo đô thị, 2 triệu m2 cho công nhân. Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn rất thấp, chúng ta mới chỉ đạt 3,8/10 triệu m2. Như vậy, cung cầu mất cân đối gay gắt.

Trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, mới bố trí 1.200 tỉ, nhưng nhu cầu thực tế là 9.000 tỉ đồng. Ông cũng cho biết, việc triển khai các dự án thiết chế công đoàn trên cả nước đang thực hiện khẩn trương và hiệu quả ban đầu rất tốt, trong tương lai sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho công nhân.

Chúng tôi cũng nhắc đến câu chuyện làm nóng Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về tăng giảm hay giữ nguyên giờ làm của công nhân. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi ấy đã khẳng định, lịch sử Công đoàn trên thế giới đều đấu tranh nhằm tăng lương giảm giờ làm và nâng cao đời sống người lao động, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nói sâu hơn về giai cấp công nhân, nguyên Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng đây là lực lượng nòng cốt, tiên phong của Đảng ta, của đất nước. Chúng ta không chỉ tạo cơ sở pháp lý mà còn tạo điều kiện để cho người lao động được phát triển, được nâng cao trình độ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, xu hướng của thế giới là tăng lương, giảm giờ làm, cần nâng cao đời sống tinh thần, nhà ở cho người lao động.

Kiến nghị về triển khai Đề án các dự án Thiết chế Công đoàn

Từng là thầy giáo giảng dạy, trải qua kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp và giữ cương vị là một trong những người hiện thực hóa Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” của Tổng LĐLĐVN, Kiến trúc sư Trần Văn Khải cho biết, mặc dù hệ thống chính sách về nhà ở cho công nhân tại các KCN hiện nay khá toàn diện và đầy đủ, tuy nhiên, cần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả. Hơn nữa, thủ tục, vốn vay ưu đãi để được mua nhà ở xã hội vẫn còn gây khó khăn cho công nhân.

Riêng với các dự án Thiết chế Công đoàn, nguồn vốn ngân sách một số địa phương còn hạn hẹp dẫn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kém để thu hút cộng đồng DN tham gia đầu tư dự án. Một khó khăn khác là theo quy định, Tổng LĐLĐVN là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, việc huy động nguồn vốn đầu tư cũng còn nhiều thủ tục khắt khe.

KTS Trần Văn Khải mong muốn bằng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn sẽ nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm khuyến khích, ưu đãi thu hút được nhiều nhất các nguồn vốn đầu tư của xã hội tham gia đầu tư, phát triển quỹ nhà ở cho người nghèo, nhà ở và các công trình phúc lợi cho giai cấp công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo anh, giải quyết được vấn đề nhà ở cho người nghèo, cho công nhân lao động là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và hết sức nhân văn và cần phải có ý kiến mạnh mẽ phản ánh với Quốc hội và Chính phủ.

Và để thúc đẩy tốc độ hoàn thành nhanh, khẩn trương các dự án Thiết chế Công đoàn, KTS Khải mong muốn Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan sớm có văn bản chỉ đạo một số địa phương bố trí quỹ đất để giao Tổng LĐLĐVN đầu tư xây dựng thiết chế CĐ. Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành riêng một nghị quyết về gói vay tín dụng ưu đãi cho các đối tượng là CN vay để mua, thuê nhà ở tại thiết chế CĐ tại các KCN, KCX; Chấp thuận cơ chế đặc thù và ưu đãi thuê cho các DN trong KCN, KCX đầu tư xây dựng thiết chế CĐ; Chấp thuận cơ chế đặc thù và ưu đãi thuế đối với các DN khác có đủ năng lực tham gia với tổ chức CĐ đầu tư xây dựng thiết chế CĐ.

Sinh thời, Bác Hồ luôn trăn trở làm thế nào để đảm bảo sức khỏe, đời sống của công nhân lao động trong các nhà máy, doanh nghiệp. Với Bác, sức khỏe, nơi ăn chốn ở của người lao động phải được quan tâm hàng đầu. Lời khuyên của Bác không chỉ là sự quan tâm thông thường mà nó mang đậm tính nhân vǎn sâu sắc của một tấm lòng, một con người suốt đời phấn đấu vì nước vì dân.

Đưa các ý kiến của cử tri nói chung và nguyện vọng của công nhân, người lao động nói riêng ra thảo luận tại các phiên họp, kỳ họp của Quốc hội, đôn đốc, giám sát và để được giải quyết thấu đáo là một nhiệm vụ không dễ. Nhưng kiến trúc sư Trần Văn Khải cho rằng nếu được cử tri tin tưởng lựa chọn thì chính niềm tin tưởng đó sẽ trở thành sức mạnh thôi thúc cho anh và những người mang trọng trách là đại biểu dân cử thực hiện tốt nhất nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn