MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2021, sẽ có nhiều thay đổi liên quan đến hợp đồng lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Một số lưu ý cho người lao động trước khi ký hợp đồng lao động từ năm 2021

Tú Quỳnh LDO | 25/12/2020 10:17

Từ năm 2021, trước khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần biết một số quy định mới tại Bộ luật Lao động năm 2019 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2021).

1. Có thể ký hợp đồng lao động bằng hình thức điện tử

Bên cạnh hình thức ký hợp đồng lao động bằng văn bản và bằng lời nói; Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm hình thức hợp đồng lao động điện tử.

Cụ thể, Điều 14 Bộ luật này ghi nhận: Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động

Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và Hợp đồng lao động xác định thời hạn.

So với Bộ luật Lao động năm 2021, Bộ luật Lao động năm 2019 đã chính thức bỏ quy định về hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

3. Chỉ được giao kết bằng lời nói với hợp đồng lao động dưới 1 tháng

Trước đây, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động và người lao động chỉ được giao kết bằng lời nói với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng, trừ các trường hợp sau:

- Giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua một người lao động được ủy quyền giao kết hợp đồng để làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

- Giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi.

- Giao kết hợp đồng lao động với lao động là người giúp việc gia đình.

4. Không áp dụng thử việc với hợp đồng lao động dưới 1 tháng

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu thử việc đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng.

Như vậy, người lao động chỉ phải thử việc nếu ký hợp hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên.

5. Người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do

Theo Bộ luật Lao động năm 2012, chỉ trường hợp ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn mới được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do.

Đến Bộ luật Lao động năm 2019, quy định này được áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng. Tuy nhiên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động vẫn cần đảm bảo thời gian báo trước tại Khoản 1 Điều 35 như sau:

- Ít nhất 45 ngày: Hợp đông lao động không xác định thời hạn.

- Ít nhất 30 ngày: Hợp đông lao động từ 12 - 36 tháng.

- Ít nhất 03 ngày: Hợp đông lao động dưới 12 tháng.

6. Thêm trường hợp người sử dụng lao động được chấm dứt hợp đồng lao động

Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm 3 trường hợp người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Người lao động cung cấp không trung thực thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn