MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một suất lương công nhân “gánh” cả gia đình

Minh Hương LDO | 01/04/2022 07:13

Mới đây, chúng tôi gặp chị Vũ Thị Nghĩa (sinh năm 1997, quê ở Vĩnh Phúc) – công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đang đến cửa hàng tạp hoá để mua thức ăn cho bữa trưa.

Với công nhân khu công nghiệp, tăng ca mới có thu nhập đủ sống.

Tiết kiệm nhưng vẫn nghèo

Thông thường sau mỗi ca làm, chị Nghĩa sẽ nấu cơm, nhưng hôm đó nhà hết gạo, nữ công nhân đành mua tạm gói mì, thêm gói xúc xích.

Cô gái trẻ thuê căn phòng rộng chừng 10m2 trên tầng 2 của khu trọ khá cũ kỹ. Căn phòng chị gắn bó 3 năm có giá thuê 600.000 đồng/tháng, trần nhà được lợp bằng tôn và xi măng, mùa hè rất nóng bức, mùa đông thì lạnh. Theo quan sát, trong phòng duy chỉ có chiếc quạt hơi nước và 1 máy điện thoại di động là vật dụng giá trị nhất.

Học xong cấp 3, chị không thi lên đại học mà xuống thành phố xin làm công nhân cùng chị họ. Sống cùng nhau được gần 1 năm thì người chị đi lấy chồng, chị Nghĩa sống một mình không có người thân thiết.

Chia sẻ về lý do không đi học tiếp, chị Nghĩa cười và nói: “Mẹ tôi ở quê làm nông, bố quanh năm đau ốm. Sau tôi còn một người em nữa, nó học được hơn nên tôi sẽ đi làm kiếm tiền nuôi em học. Trung bình mỗi tháng, tôi gửi về cho bố mẹ 2-4 triệu đồng, tuỳ vào thu nhập của tôi”.

Lương của chị Nghĩa ở mức 6 triệu đồng, nếu được tăng ca thì thêm 1-2 triệu đồng/tháng. Năm 2021, dịch bệnh liên miên, nữ công nhân hầu như không được làm thêm giờ, cộng thêm phải nghỉ việc thường xuyên, chị Nghĩa không để ra được nhiều tiền.

Song để có chi phí cho bản thân và gia đình, chị Nghĩa cắt giảm toàn bộ chi tiêu. Chị nhớ lại, thời điểm giá thịt, giá rau đắt đỏ, chị chỉ ăn cơm với cá, trứng, đậu phụ, hoặc pha gói mì tôm ăn cho qua bữa. Đi làm mặc đồng phục công ty nên chị cũng không sắm quần áo mới. Ngày lễ được nghỉ, chị Nghĩa cũng không về quê để tiết kiệm chi phí.

“Công việc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thu nhập của tôi giảm đáng kể. Ngoài các khoản chi cố định và bắt buộc, tôi không dám mua gì cho bản thân. Vậy mà vẫn thấy nghèo” – nữ công nhân bộc bạch.

 Khu nhà trọ công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Túi tiền ngày càng hẹp dần

Dịch bệnh khiến cuộc sống của nhiều công nhân lao động thêm phần khó khăn và gia đình của chị Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1990, quê Thanh Hoá) cũng không ngoại lệ.

Chị Linh làm công nhân ở Bắc Ninh nhưng trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Hôm nào đi làm, chị dậy thật sớm để di chuyển đến điểm đưa đón công nhân. Làm công nhân 8 năm, thu nhập của chị ở mức 10-12 triệu đồng/tháng.

Năm 2020, chồng chị làm lao động tự do, bốc vác thuê ở bến xe. Năm 2021, anh chuyển sang chạy Grab. Giãn cách xã hội khiến công việc liên tiếp bị ảnh hưởng, chồng chị Linh nghỉ hẳn ở nhà, sau đó nộp hồ sơ xin làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long.

Do là “lính mới” nên lương cơ bản của chồng Linh ở mức 4,8 triệu đồng. Nếu cộng các khoản phụ cấp được gần 6 triệu đồng. Chị Linh nói, 1 tuần, anh chỉ làm thêm giờ 2-3 ngày nên tiền nhận về không nhiều.

Nhưng vì muốn có mức thu nhập ổn định nên chị vẫn khuyên chồng cố gắng bám trụ làm ở công ty.

Là người chịu phần “gánh” gia đình nhiều hơn, song chị Linh cho biết “lương của tôi cao hơn chút nhưng bù lại, chồng tôi là người biết chăm sóc gia đình, con cái, đỡ đần vợ việc nhà cửa”.

2 vợ chồng cùng làm công nhân, chị Linh chia sẻ, không thể khá giả được, mức lương chỉ đủ sống. Nếu dè dặt thì để được ít đồng, nhưng với sự leo thang của giá cả, nữ công nhân lo lắng, túi tiền ngày càng hẹp dần.

Khảo sát của Viện Công nhân - công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) năm 2021 cho thấy, 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp, 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa, 60% tiết kiệm các khoản chi, 11% phải vay mượn tiền của người thân…

Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 28.3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết - lương tối thiểu vùng tăng từ 1.1 hàng năm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, 2 năm qua người lao động đã mòn mỏi chờ đợi được tăng lương; đến thời điểm này không nên tiếp tục trì hoãn, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn