MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an khám xét một phòng khám ở TP Biên Hoà. Ảnh: Hà Anh Chiến

Mua - bán giấy tờ giả để hưởng BHXH, người lao động đánh mất quyền lợi

LƯƠNG HẠNH - HÀ ANH LDO | 27/06/2023 06:18

Thời gian qua, tình trạng mua - bán giấy khám sức khỏe giả, giấy chứng nhận giả để nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội diễn ra công khai trên trang mạng xã hội. Hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn khiến người lao động đánh mất quyền lợi chính đáng của mình.

Nhiều hành vi bất thường

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 26.6, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã phát hiện nhiều hành vi bất thường trong khám chữa bệnh: Dùng 1 thẻ BHYT khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tháng; Thanh toán BHYT sau khi người có thẻ đã chết; Cơ sở y tế thu trùng của người bệnh BHYT khoản chi phí đã được cơ quan BHXH thanh toán; Nhân viên y tế hành nghề trùng thời gian tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh...

Để hạn chế trục lợi BHYT, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1623/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế về việc vi phạm trong cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, theo đó đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở KCB trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật KCB, Luật BHYT, quy trình KCB của Bộ Y tế và nghiêm cấm các hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác KCB BHYT đối với các cơ sở KCB trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân.

“Đối với các cơ sở KCB được xác định có hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT, giao cho Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố thực hiện xử lí nghiêm túc theo quy định của pháp luật” - BHXH Việt Nam nhấn mạnh.

Trục lợi BHXH là hành vi lừa đảo

Tình trạng mua - bán giấy tờ giả nhằm trục lợi từ bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được Báo Lao Động phản ánh. Cụ thể, nếu có nhu cầu “phù phép” từ người khỏe mạnh trở thành bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện, người lao động chỉ tốn 150.000 đồng.

Dưới góc độ pháp lí, luật sư Bùi Xuân Lai - Hệ thống luật sư X (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định: Hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm là hành vi cố ý lừa dối, lừa đảo đối với tổ chức bảo hiểm của cá nhân hoặc tổ chức nhằm mục đích thu lợi bất chính. Điều này đã được nêu rõ tại Khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

“Trường hợp bác sĩ và công nhân cấu kết với nhau để “phù phép” từ người khỏe mạnh trở thành bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm xã hội được coi là đồng phạm và đều phải bị xử phạt hành chính hoặc xử lí hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm của họ theo các quy định nêu trên. Ngoài việc phải đối mặt với những mức xử phạt của pháp luật, người lao động còn đánh mất quyền lợi chính đáng của mình” - luật sư Lai nhận định.

Theo Điều 40 Nghị định 12/2022 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, BHTN: Phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa; tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức xử phạt đối với tội gian lận BHXH, BHTN theo ba khung xử phạt. Mức phạt tù cao nhất từ 5-10 năm với các hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn