MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong căn phòng nhỏ hẹp, tối tăm, chị H. bày tỏ không biết khi nào mới mua được nhà ở. Ảnh: Lương Hạnh.

"Mua được nhà là ước mơ của nhiều công nhân"

LƯƠNG HẠNH LDO | 10/06/2022 16:15

Hà Nội - Đây là câu trả lời của một nữ công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) khi được hỏi về ước nguyện lớn nhất của chị trước thềm Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động. 

Có mặt tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) nơi tập trung rất nhiều công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, PV Báo Lao Động ghi nhận thực tế nguyện vọng của công nhân trước sự kiện này.

Khu nhà trọ lụp xụp, ẩm thấp, nơi mà cả gia đình chị N.T.H (SN 1987, quê Thái Nguyên) sinh sống khó có thể thấy được ánh sáng lọt vào căn phòng trọ nhỏ.

Chị H và chồng đã có 13 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long. Từ lúc chưa gặp chồng, chưa kết hôn và sinh con, chị đã có quãng thời gian làm việc, sinh sống và cống hiến tại đây. Chưa khi nào, chị H cảm thấy khó khăn, chật vật đến vậy. 

Được biết, chồng chị H cũng làm công nhân tại Khu công nghiệp, do công ty ít việc, giảm giờ làm, chồng chị đành nghỉ việc để tìm một công ty khác. Do đó, suốt gần 6 tháng nay chị H phải thay chồng gánh vác chi tiêu của cả gia đình. 

Dù đã là công nhân lâu năm nhưng mức lương tối thiểu của chị cũng chỉ khoảng 7,1 triệu đồng/tháng; nếu tăng ca được khoảng 9 triệu đồng/tháng. 

Khu trọ cchật chội, lụp xụp là nơi cả gia đình chị H đã trú ngụ nhiều năm. Ảnh: Lương Hạnh.

“4 người trong nhà phải thuê 2 phòng với chi phí 1,2 triệu đồng mỗi tháng chưa tính điện, nước trong khi chồng tôi không có việc làm nửa năm nay. Tiền sinh hoạt hằng ngày còn đang phải lo thì làm sao nghĩ đến chuyện mua được nhà ở. Cả một đời công nhân không biết khi nào mới mua được nhà”, chị H tâm sự.

Khi nắm được thông tin dự kiến vào ngày 12.6 sắp tới Thủ tướng gặp gỡ công nhân lao động, chị H rất mong chờ được trình bày tâm tư, tình cảm và nguyện vọng về các vấn đề thiết yếu trong cuộc sống, đặc biệt là vấn đề về nhà ở cho công nhân.

Cách đó không xa, chị Mai (quê Hưng Yên) đang cặm cụi chuẩn bị nấu bữa cơm tối. Do vừa ra viện vì bị tai, chị Mai cùng hai con chỉ trông chờ vào đồng lương của người chồng đang làm trong khu công nghiệp Thăng Long.

Ngồi nhặt mớ rau bí có giá 30.000 đồng, chị Mai không nhịn được, thốt lên: "Đắt quá. Cái gì cũng đắt. Chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày còn phải tằn tiện để lo cho con cái thì lấy đâu ra tiền mua nhà".

Vừa bị tai nạn gãy tay, chị Mai không thể đi làm mà chỉ ở nhà nấu cơm, làm những việc nhẹ nhàng. Ảnh: Lương Hạnh.

Chị Mai cũng chia sẻ, có nhà ở Hà Nội để không phải đi thuê là mong mỏi của rất nhiều công nhân, đặc biệt là công nhân lâu năm như chị. Phòng trọ chị thuê có giá 600.000 đồng/tháng, do chật chội nên phải thuê 2 phòng thì mới đủ chỗ cho cả gia đình sinh hoạt.

Dãy trọ nơi chị Mai thuê phòng. Ảnh: Lương Hạnh.

"Tôi rất hy vọng Chính phủ giúp đỡ công nhân có được một căn nhà phù hợp. Nếu được tạo điều kiện bằng các hình thức trả góp hoặc trừ dần vào tiền lương phù hợp với mức thu nhập của chúng tôi. Mua được nhà ở không chỉ là nguyện vọng của tôi mà còn là ước mơ của nhiều công nhân Khu công nghiệp Thăng Long", chị Mai bày tỏ. 

Chương trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ với công nhân lao động tại tỉnh Bắc Giang dự kiến diễn ra vào ngày 12.6 với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn