MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mức tiền dịch vụ thu của lao động tại các thị trường xuất khẩu ra sao?

ANH THƯ LDO | 06/01/2022 16:28
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố quy định mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động khi làm việc nước ngoài đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 21 về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1.2.2022.

Theo đó, Phụ lục của Thông tư này quy định mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc. Cụ thể, tại Nhật Bản: Thực tập sinh kỹ năng số 3, lao động kỹ năng mặc định là 0 đồng.

Bên cạnh đó, lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định có mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động là 0,7 tháng tiền lương/12 tháng hợp đồng; không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động là hộ lý và y tá tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão là 0,7 tháng tiền lương/12 tháng hợp đồng; không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Chăm sóc người bệnh tại gia đình, giúp việc gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là  0,4 tháng tiền lương/12 tháng hợp đồng; không quá 1 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Đối với thuyền viên tàu cá gần bờ tại Hàn Quốc có mức trần tiền dịch vụ là 0,7 tháng tiền lương/12 tháng hợp đồng; không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Lao động giúp việc gia đình tại Malaysia và các nước Tây Á mức tiền dịch vụ thu của người lao động là 0 đồng.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.

Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể qua các  năm. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu, đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi đến việc tổ chức chuyến bay cho lao động đi ra nước ngoài và về nước đều gặp khó khăn. Số lao động đi làm việc nước ngoài giảm đáng kể, năm 2020 là 78 nghìn người; năm 2021 là 45 nghìn người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn