MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người lao động bị tai nạn lao động mất 4 ngón tay. Ảnh minh hoạ: MK

Mục tiêu 100% vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra

Hải Anh LDO | 19/02/2022 07:30

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 là trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, còn có các mục tiêu đến năm 2025 như trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động. 

Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp quận, huyện và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động. 

Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. 

Trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. 

Trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật. 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Chương trình được triển khai trên toàn quốc đến tất cả ngành nghề, người làm công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động và người lao động; ưu tiên các ngành, nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và làng nghề.

Các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện chương trình được xác định gồm: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn, vệ sinh lao động lao động; Tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động; Đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế; Quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn