MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo TP.Hà Nội, LĐLĐ TP.Hà Nội và Công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội thăm doanh nghiệp (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: L.Nguyên

Mục tiêu là phải hoàn thành vai trò đại diện người lao động

Linh Nguyên LDO | 22/03/2021 12:00
Trung tuần tháng 3 vừa qua, LĐLĐ Thành phố Hà Nội ban hành Quy chế thí điểm hỗ trợ kinh phí đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại thoả ước lao động tập thể. Theo đánh giá, đây là một trong những điểm nhấn để nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể giai đoạn 2019 - 2023, đặc biệt khẳng định vai trò đại diện cho người lao động.

Quy định “khuyến khích có lợi hơn”

Năm 2021, LĐLĐ TP.Hà Nội phấn đấu 75% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại đơn vị (còn hiệu lực thực hiện); phấn đấu có ít nhất 45% bản TƯLĐTT đạt loại B trở lên; trong năm ký mới ít nhất 300 bản TƯLĐTT.

Năm 2020, một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Nhiều quyền lợi cốt lõi đã được CĐCS thương lượng đưa vào TƯLĐTT như thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, thực hiện chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn ca của người lao động (NLĐ) hầu hết trong khoảng từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/bữa, một số ít doanh nghiệp khó khăn nên mức ăn thấp 15.000 đồng.

Từ thực tế hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết TƯLĐTT, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp-chế xuất Hà Nội - phân tích trước đây, thông qua đàm phán, những gì có lợi cho NLĐ thì đưa vào TƯLĐTT. Nhưng hiện Điều 75 Bộ luật Lao động 2019 có sửa đổi quy định “nội dung TƯLĐTT phải có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật” thành quy định “khuyến khích có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật”. Với sửa đổi này, để có một bản TƯLĐTT có nhiều điều có lợi hơn cho NLĐ như trước đây sẽ rất khó. Hơn nữa, những khó khăn do COVID-19 gây ra với doanh nghiệp cũng là yếu tố không thuận lợi trong quá trình thương lượng, đàm phán...

Đảm bảo bằng được vai trò đại diện

Với việc ban hành Quy chế thí điểm hỗ trợ kinh phí đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã tạo thêm khuyến khích có những bản TƯLĐTT có chất lượng, qua đó khẳng định vai trò của tổ chức CĐ. Quy chế này quy định về thí điểm hỗ trợ kinh phí đối với tập thể, cá nhân là cán bộ CĐ trực tiếp thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT, bao gồm TƯLĐTT doanh nghiệp, TƯLĐTT ngành, TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp.

Điều kiện áp dụng là các bản TƯLĐTT doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, TƯLĐTT ngành, TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp được ký mới hoặc ký lại kể từ ngày 1.1.2021 và được chấm điểm, xếp loại theo khung tiêu chí do Tổng LĐLĐVN và LĐLĐ Thành phố ban hành. LĐLĐ Thành phố sẽ thành lập hội đồng để thẩm định, đánh giá, xếp loại TƯLĐTT làm cơ sở để xét hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân.

Về mức hỗ trợ, quy chế nêu rõ mức hỗ trợ đối với mỗi bản TƯLĐTT và cá nhân cán bộ CĐ cấp trên cơ sở trực tiếp thực hiện. Trong đó, có mức cụ thể đối với TƯLĐTT ngành, TƯLĐTT nhóm; TƯLĐTT doanh nghiệp; doanh nghiệp ký TƯLĐTT có từ 500 lao động trở lên. Ví dụ, TƯLĐTT doanh nghiệp có thời hạn từ 24 tháng trở lên, mỗi bản được đánh giá, xếp loại A thì các tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện sẽ được hỗ trợ 8.000.000 đồng/bản. Trong đó, tập thể CĐCS 3.000.000 đồng, người trực tiếp chủ trì thương lượng (Chủ tịch CĐCS hoặc Phó Chủ tịch CĐCS) 2.000.000 đồng, tập thể CĐ cấp trên cơ sở 1.500.000 đồng, cán bộ CĐ cấp trên cơ sở trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT 2.000.000 đồng...

Về Quy chế thí điểm hỗ trợ này của LĐLĐ Thành phố Hà Nội, theo ông Nguyễn Đình Thắng, đây là một sự khuyến khích rất đúng thời điểm. Vì hơn bao giờ hết, tổ chức CĐ phải thể hiện rõ vai trò của mình, nhất là việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ, trong bối cảnh pháp luật cho phép có thêm các tổ chức đại diện cho NLĐ; mà vai trò này thể hiện rõ nét ở việc thương lượng để ký được những bản TƯLĐTT có chất lượng. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ CĐ phải có thực lực vì tổ chức CĐ đang đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn