MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động nếu kê khai không trung thực về nhân thân có thể bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Ảnh minh họa: NAM DƯƠNG

Mượn hồ sơ đi làm: Sẽ gặp khó khi điều chỉnh quá trình đóng bảo hiểm xã hội

NAM DƯƠNG LDO | 21/11/2019 11:42

Theo quy định mới tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trường hợp người lao động sử dụng bằng cấp giả hay mượn hồ sơ để đi làm, sẽ có nguy cơ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất cứ lúc nào và gặp khó khăn khi điều chỉnh quá trình đóng bảo hiểm xã hội.

Mượn hồ sơ là vi phạm pháp luật BHXH

“Trước đây, tôi có mượn hồ sơ của một người bạn để đi làm tại Bình Dương. Nay tôi xin nghỉ việc thì không thể chốt sổ BHXH được. Lý do, cơ quan BHXH thông báo, hồ sơ này trùng tên với người khác là bạn tôi đã tham gia BHXH tại TP.Hồ Chí Minh. Bây giờ tôi phải làm sao?”. Trên đây là nội dung mà Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động thường hay nhận được khi bạn đọc nhờ tư vấn.

Trong thực tế, có không ít trường hợp người lao động (NLĐ) vì lý do này, lý do khác đã sử dụng các giấy tờ về nhân thân không phải của mình để đi làm. Rất nhiều công ty khi tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông, thường bỏ qua hoặc không thể xác minh được nhân thân của NLĐ vì cho rằng không quan trọng. Lại có trường hợp khi NLĐ nộp hồ sơ, rồi không được tuyển dụng, công ty không trả lại hồ sơ mà để đó, để khi cần thiết đem hồ sơ này khai báo với cơ quan BHXH để tham gia BHXH.

Còn ông Nguyễn Duy Hiểu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương - cho biết, qua rà soát, cơ quan này đã phát hiện ra gần 300 trường hợp mượn hồ sơ để đi làm và đây là hành vi vi phạm khoản 4, Điều 17 Luật BHXH, về gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi phát hiện trường hợp này, cơ quan BHXH phải chuyển hồ sơ qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) để thanh tra tìm hiểu, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi có kết luận của Sở LĐTBXH, cơ quan BHXH mới tiến hành điều chỉnh quá trình đóng BHXH cho đúng thực tế.

Phải khai đúng tên, tuổi khi đi làm

Ông Phạm Ngọc Quang - giám đốc một công ty thương mại ở quận Tân Phú - thừa nhận: “Công ty có gặp phải trường hợp này và rất vất vả khi phải đi điều chỉnh lại quá trình tham gia BHXH cho NLĐ, nhưng không thể chấm dứt HĐLĐ với những người mượn hồ sơ để đi làm do pháp luật không quy định”.

Tuy nhiên, lo lắng của ông Quang và nhiều doanh nghiệp khác sẽ được giải tỏa, khi trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã có quy định về việc này. Cụ thể, Khoản 2, Điều 16 dự thảo quy định: “NLĐ phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề nghiệp, xác nhận tình trạng sức khoẻ và các vấn đề liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà NSDLĐ yêu cầu”.

Còn tại Khoản 1, Điều 36 của dự thảo đã bổ sung thêm trường hợp NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi “NLĐ cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ”.

Luật sư Nguyễn Hữu Học (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cảnh báo: “Đây là điểm hoàn toàn mới so với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Với quy định này, những trường hợp NLĐ sử dụng bằng cấp giả hay mượn hồ sơ để đi làm, sẽ có nguy cơ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ bất cứ lúc nào khi NSDLĐ muốn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn