MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Quách Công Hiệp đang cho cháu ngủ trong căn phòng trọ chật chội. Ảnh: Bảo Hân.

Muôn kiểu trông con của gia đình công nhân

BẢO HÂN - LƯƠNG HẠNH LDO | 28/06/2022 11:45

Hà Nội - Do công việc bận rộn, nên nhiều vợ chồng công nhân khi có con phải gửi về quê hoặc nhờ ông bà lên ở cùng trông nom, chăm sóc. Ông, bà đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe kém nhưng vẫn luôn cố gắng vượt qua các khó khăn, bất tiện, tất cả vì con, vì cháu.  

Ông nội "phụ trách" cho cháu ăn, ngủ

Hơn 3 tháng nay, ông Quách Công Hiệp (60 tuổi, quê huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) phải ra Hà Nội để trông cháu giúp vợ chồng con trai là anh Quách Văn Trường.

“Ở quê lắm việc, ruộng vườn nhiều; lên đây thì chỉ quanh quẩn ở phòng trọ, không đi đâu nên nhiều khi tôi thấy tù túng lắm. Nhưng vì con, vì cháu nên phải cố. Nếu tôi không lên ở cùng thì không biết các con xoay xở như thế nào” – ông Hiệp vừa đẩy võng cho cháu ngủ, vừa nói.  

Cháu lớn của vợ chồng anh Trường (năm nay 4 tuổi), đang được gửi ở quê để bà nội trông. Cháu út mới 10 tháng tuổi nên anh chị chưa thể gửi về quê. Từ khi vợ hết thời gian nghỉ thai sản, anh Trường phải nhờ bố lên ở cùng để trông cháu. Mỗi ngày, ông Hiệp “phụ trách” cho cháu ngủ, uống sữa, trông cháu mỗi khi vợ chồng anh không có nhà.

Để tiện cho bố nghỉ ngơi, anh Trường đã chi thêm 700.000 đồng/tháng để thuê thêm một phòng bên cạnh. Thời gian này, thời tiết luôn oi bức, nóng nực, trong khi phòng trọ không có điều hoà, ông Hiệp khó ngủ. Nhiều khi, phải hơn 0 giờ, khi trời dịu, ông mới chợp mắt.

Thi thoảng, anh Trường mới có thời gian đưa bố đi ăn sáng hoặc biếu bố một chút tiền. “Gọi là động viên bố. Tôi biết bố tôi muốn về quê lắm rồi, nhưng vì con cháu nên ông đành cố gắng. Tôi dự định khi con út hơn 1 tuổi, tôi sẽ gửi cháu về quê. Lúc đó ông cũng về quê cùng, chỉ còn vợ chồng tôi ở Hà Nội để mưu sinh, kiếm tiền” – anh Trường chia sẻ.  

Khác với ông Hiệp, bà Chẩu Thị Cảnh (quê ở Tuyên Quang)  dành 1 năm để lên trông con cho vợ chồng con gái (thuê trọ ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh).

5 người phải ở chung một phòng trọ nên khá bất tiện, nhưng đành phải chấp nhận vì không có tiền thuê thêm phòng. “Vợ chồng con động viên tôi cố gắng ở lại trông cháu” - bà Cảnh nói.  

“Quãng nghỉ” của bà Cảnh không được lâu, vì tháng 8 sắp tới, dự kiến con gái bà sẽ sinh cháu thứ 2. Khoảng hơn 1 tháng nữa, bà lại phải xa quê để hỗ trợ các con…  

Buộc phải gửi con về quê cho ông bà  

Bên cạnh những trường hợp ông bà phải lên phòng trọ trông cháu thì rất nhiều những trường hợp vợ chồng công nhân phải gửi con về quê nhờ ông bà trông.  

Chị Vàng Thị Dua (sinh năm 2002, quê huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) - công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Vĩnh Phúc) - đã không được về thăm con suốt hơn 4 tháng nay. Chị đang gửi con ở quê, nhờ bà chăm sóc. Do công ty ít việc, vợ chồng chị chỉ đi làm khoảng 15 ngày/tháng; thu nhập của nữ công nhân này chỉ rơi vào mức 5 triệu đồng/tháng. 

Năm tới, vợ chồng chị Dua sẽ chuyển về quê để gần con. Ảnh: Lương Hạnh.

Với rất nhiều khoản phải chi, như: Thuê căn phòng trọ khép kín có giá 800.000 đồng/tháng; 45.000 đồng tiền nước/người, 3.000 đồng tiền điện/số…, nên vợ chồng chị Dua phải chật vật lắm mới vượt qua thời gian này. 

“Mỗi tháng tôi phải gửi về khoảng 2 - 3 triệu đồng cho ông bà ở quê chăm con. Bây giờ thu nhập giảm sút, chắc phải đi vay để gửi tiền về cho ông bà” - chị Dua ngậm ngùi. 

Chị Dua là chị cả trong gia đình 4 chị em. Dưới chị còn 3 em trai, em nhỏ nhất sinh năm 2018. Cả gia đình chị chỉ trông chờ vào việc làm nương rẫy, quanh năm suốt tháng với ruộng lúa, may mắn lắm mới đủ ăn. 

Mỗi khi bố, mẹ chồng chị đi làm nương rẫy, cậu con trai hơn 3 tuổi của chị thường xuyên phải ở nhà với các em trai, em gái còn nhỏ tuổi của chị. Tuy vậy, chị Dua không còn cách nào khác. Nếu đưa con xuống khu công nghiệp ở cùng, vợ chồng chị cũng phải thuê người trông con. 

Với mức thu nhập hiện tại, chị Dua đã tính đến chuyện bỏ làm công nhân, về quê để gần con. “Bố mẹ tôi ở quê cũng bận đi làm. Em tôi thì còn rất nhỏ. Thu nhập ở đây càng ngày càng thấp, không có việc làm. Có lẽ sang năm vợ chồng tôi sẽ chuyển về quê thôi” - chị Dua tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn