MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quế Chi

Muốn thu nhập đủ trang trải, công nhân chỉ còn cách làm thêm

Quế Chi LDO | 26/09/2023 08:47

Hiện nay nhiều công nhân mới chỉ có mức lương đủ để trang trải cuộc sống, chưa thể có khoản tiền dành dụm lâu dài. Muốn có thêm thu nhập, họ buộc phải làm thêm.

Công nhân khó có tiền dành dụm

Chị Đ.T.H (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết, lương cơ bản của chị được khoảng 5,3 triệu đồng/tháng. Nếu có làm thêm, tổng thu nhập của chị được khoảng 8-8,5 triệu đồng/tháng.

“Chồng tôi cũng làm công nhân, thu nhập tương đương. Mức lương này chỉ đủ tôi trang trải cuộc sống gia đình” - chị H chia sẻ.

Vợ chồng chị H đang thuê nhà tại xã Kim Chung, đồng thời phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Với rất nhiều khoản phải chi, theo tính toán của chị, mỗi tháng gần như vợ chồng chị không thể để ra một đồng nào để dành dụm.

“Có tháng tôi để ra được 1-2 triệu đồng, nhưng sau đó, mỗi khi gia đình có người ốm đau hoặc hiếu hỷ là hết” - chị H cho hay.

Theo chị H, nếu chỉ làm việc 8 tiếng/ngày để có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình thì chị phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn, chỉ khoảng 6 triệu đồng (kể cả phụ cấp).

“Mức thu nhập này không đủ để tôi trang trải cuộc sống gia đình” - theo nữ công nhân.

Giống với chị H, anh D.V.T (tỉnh Phú Thọ) có lương, thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Nam công nhân này mới đi làm tại công ty hiện tại được 1 năm. Mức lương cơ bản của anh hiện được 4.970.000 đồng/tháng, nếu có làm thêm, tổng thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng.

Vợ anh T cũng làm công nhân, thu nhập 2 vợ chồng tương đương nhau. Mỗi tháng, với tổng thu nhập 14-15 triệu đồng, vợ chồng anh T chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, không để dành được đồng nào.

Theo khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách - Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện vào tháng 4.2023, tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là 6,065 triệu đồng (tăng 8,4% so với khảo sát tháng 3.2022).

Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng); còn 3,5% số người lao động được khảo sát nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

“Thu nhập của vợ chồng tôi chỉ đủ để nuôi 2 con. Gia đình phải đi thuê nhà, tôi chưa nhìn thấy khoản tiền nào để tích cóp mua được nhà” - anh T nói.

Cần mức lương đủ sống

Theo các chuyên gia về lao động, lương đủ sống là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc trong giờ làm việc tiêu chuẩn (8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần) đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình họ - bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.

Thực tế, nếu chỉ làm giờ hành chính (8 giờ/ngày) thu nhập của công nhân sẽ thấp, không thể đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, nhiều công nhân chấp nhận làm thêm để có thêm thu nhập. Áp lực về các khoản chi tiêu ngày càng nhiều hơn nếu họ có gia đình, sinh con.

Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách - pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Ông Quảng cho rằng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đặt ra mức lương tối thiểu, còn công đoàn cần thương lượng về mức lương đủ sống trong thực tế cho công nhân lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn