MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Vân - giáo viên trường mầm non tư thục ở Hà Nội - không có việc làm, phải nhận trông trẻ tại nhà. Ảnh: AT

Mưu sinh đủ nghề, giáo viên mầm non mong ngày đi làm trở lại

Anh Thư LDO | 19/02/2022 09:58
Nhiều tháng nay, từ giáo viên đến chủ cơ sở mầm non tư thục phải tạm thời làm nhiều công việc khác nhau để có thêm tiền trang trải cuộc sống, chờ đến thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, trường học mở cửa  - họ lại được quay lại công việc bao năm  kiên trì bám trụ...

18.000 đồng/tiếng đứng bán hàng

Trong 3 năm làm giáo viên tại cơ sở mầm non ở xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội), chị Trần Thị Lý gặp rất nhiều biến động trong công việc, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trường học phải đóng cửa.

Thời gian đầu nghỉ dịch, chị Lý phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình nhà chồng. Vài tháng sau, chị Lý tìm kiếm công việc bán thời gian. “Tôi làm nhân viên siêu thị. Một ngày làm khoảng 6-8 giờ, thu nhập 18.000 đồng/tiếng” - chị Lý cho biết.

Trước đây khi còn đi dạy, mức lương của chị Lý khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Dù lương không cao - nhưng đối với những cô giáo mầm non có con nhỏ thì cũng đủ để trang trải cuộc sống. Thời gian đi làm nhân viên bán hàng, chị Lý cũng chỉ có thêm một phần nhỏ bé góp vào chi tiêu trong gia đình. Nhưng  đây chỉ là việc làm tạm thời, không có chế độ gì khác, chị đành làm  để “cầm cự” đến khi trường học mở cửa. Mong muốn trẻ em đi học bình thường để thầy cô cải thiện cuộc sống. Các con được đến trường học tập, vui chơi và cha mẹ có những nơi tin cậy để gửi gắm - đây không chỉ mong ước riêng của chị Lý mà còn của nhiều giáo viên khác.

4 năm làm giáo viên trường mầm non tư thục, chị Trần Thu Vân (26 tuổi) thuận lợi hơn các đồng nghiệp của mình khi ở Hà Nội. Nhìn tình cảnh mọi người phải thuê trọ, làm nhiều công việc khác nhau rất cơ cực khi trường học đóng cửa. Gần một năm qua không thể đến trường do ảnh hưởng của dịch, đến lúc chị Vân phải tự mình tìm kiếm việc làm.

Mấy tháng qua, chị Vân nhận được không ít lời đề nghị của phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 1. “Các phụ huynh tha thiết muốn gửi cô trông con hộ, điều quan trọng rèn lại nề nếp cho con và chuẩn bị hành trang cần thiết cho các bé sẵn sàng vào lớp một. Một thời gian dài không đến lớp, lứa tuổi này sẽ rất vất vả trước khi bước vào đầu cấp mới”, chị Vân nói.

Vì vậy, chị Vân đã nhận trông các cháu tại nhà. Những đồ đạc, thiết bị học tập được chị mượn từ cơ sở mầm non tư thục mà mình theo dạy. Một ngày bắt đầu từ 7h sáng, kết thúc lúc 17h30. Trong ngày các cháu được vui chơi và học tập. Điều này giúp bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn để đi làm và thêm một phần thu nhập cho các cô giáo.

“Thật sự, hầu hết những cô giáo mầm non tư thục phải yêu nghề rất nhiều và xác định gắn bó với công việc này thì mới bám trụ đến giờ. Chúng tôi tìm nhiều cách khác nhau, làm những công việc tạm thời để chờ đến ngày được đi dạy trở lại” - chị Vân chia sẻ.

Tạm thời về quê

Cơ sở giáo dục mầm non tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) đóng cửa im lìm, quản lý cơ sở là chị Bùi Thị Quý cũng đã khăn gói về quê Vĩnh Phúc từ lâu. Cơ sở có 5 giáo viên thì các cô đều phải tìm kiếm những công việc khác, người bận việc gia đình, cô thì bán hàng, nhận trông trẻ tại nhà. 

Một năm vừa qua chịu ảnh hưởng của dịch, tháng nào chị Quý cũng phải chi trả tiền mặt bằng lên đến 10 triệu đồng. Chị Quý cũng theo dõi thông tin về việc mở cửa trường học hằng ngày, song ở Hà Nội vẫn chưa thấy động thái gì với giáo viên mầm non. Chị chỉ mong dịch bệnh chóng qua, các cô có công việc ổn định trở lại và học sinh được đến lớp, học hành, vui chơi.

Trang cá nhân facebook của chị Hà Thị Nhàn ngập tràn những bài viết bán hàng ăn uống. Lâu nay, chắc sẽ có người nghĩ chị Nhàn đã bỏ công việc quản lý cơ sở giáo dục mầm ở (Đông Anh, Hà Nội). Chị Nhàn kể: “Tôi là chủ một nhóm trẻ, giờ tôi còn phải giã ruốc, đi bán lẻ từng lạng một để có việc làm, thu nhập”. Chị Nhàn cũng chứng kiến các cô giáo mầm non phải đi bán từng bó rau kiếm thêm thu nhập. Có cô giáo ao ước mua một chiếc xe máy cũ để có phương tiện đi làm. 

Nếu không có cơ sở mầm non tư thục, nhiều bố mẹ là công nhân, làm khu công nghiệp không có chỗ gửi con. Họ đi làm ca, đi sớm, về muộn hoặc các con quá nhỏ. Những bố mẹ đi làm ca, có khi tối mịt mới có thể đón con. Giờ quá nhàn rỗi, khiến chị Nhàn lại muốn được vất vả, bận rộn với các cháu nhỏ như trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn