MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng quận 7 và Phòng Quản lý lao động - Ban quản lý KCN - KCX TPHCM giải quyết một vụ tranh chấp lao động tại KCX Tân Thuận. Ảnh: L.T

Năm 2016, tranh chấp lao động tại TPHCM giảm

LÊ TUYẾT LDO | 18/04/2017 16:26
Ngày 18.4, Sở LĐTBXH TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2014 – 2020” năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017.  

Báo cáo kết quả thực hiện đề án năm 2016, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TP - cho biết, trong năm 2016, TP đã xảy ra 54 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, giảm 29 vụ so với cùng kỳ năm 2015 với 18.756 người tham gia (giảm 10.113 người tham gia so với cùng kỳ).  Ngành nghề chủ yếu xảy ra ở các DN may với 23 vụ, giày da 5 vụ.

Theo ông Tấn, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đình công là do quyền và lợi ích của NLĐ chưa được đảm bảo như việc tăng lương hằng năm, chất lượng bữa ăn ca, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, DN chưa thực hiện tốt quy chế đối thoại tại nơi làm việc, một số DN còn vi phạm quy định của pháp luật lao động như nợ BHXH, thời gian làm thêm vượt quá thời quan luật quy định… Trước tết, các vụ tranh chấp lao động tập trung vào nợ lương, thưởng tết, thanh toán phép năm… “Khi xảy ra đình công, đoàn công tác liên ngành đã có mặt kịp thời để hỗ trợ, giải quyết, không để đình công kéo dài hoặc xảy ra những hành động quá khích” – ông Tấn nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đánh giá, tranh chấp lao động tập thể năm 2016 ở TP giảm cả về số vụ và số lượng người tham gia, điều này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở. Theo bà Thu, tranh chấp lao động xảy ra khi hai bên không hiểu nhau, xung đột về lợi ích mà không được giải quyết. Để gỡ bỏ xung đột này, việc cần thiết chính là đối thoại và tổ chức hội nghị NLĐ.

Trong năm 2016, Sở LĐTBXH xác nhận việc có 2.713 DN gửi TƯLĐTT với các điều khoản có lợi hơn như có lương tháng 13, thưởng sáng kiến, lễ tết, các loại phụ cấp, tiền ăn giữa ăn, hỗ trợ vé xe… Qua đánh giá, có 5-9% thỏa ước đạt loại A (có ít nhất 10 nội dung trở lên có lợi và hội tụ đầy đủ các yếu tố lương, thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo việc làm cho NLĐ), loại B chiếm tỷ lệ 15% (là các bản thỏa ước có từ 5-9 nội dung có lợi; loại C và D chiếm tỷ lệ 75% là những bản thỏa ước có ít nội dung có lợi hoặc không cụ thể hóa, không định lượng, định tính hóa được mức độ chăm lo cho NLĐ mà chủ yếu thể hiện chung chung “DN sẽ chăm lo, tùy vào tình hình tài chính”; số thỏa ước không đánh giá phân loại là 3% (TƯLĐTT sao chép luật, hết hạn, có nội dung trái luật, người ký không đúng thẩm quyền…).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn